Thứ Năm ngày 25 tháng 4 năm 2024

Nhật ký ghi vội thứ Hai 11-3-2013: Kỷ niệm 2 năm thảm họa kép động đất và sóng thần ở Nhật Bản

 

 

Ngày hôm nay 11-3-2013, cả nước Nhật Bản chìm trong một bầu không khí đau buồn. Người dân đất nước Mặt trời kỷ niệm 2 năm ngày xảy ra thảm họa kép (double-tragedy) động đất (earthquake) và sóng thần (tsunami) khiến gần 19.000 người chết hay mất tích và hơn 300.000 người phải di dời.

Vào lúc 14g46ph (giờ Nhật Bản, tức 12g46ph giờ Việt Nam) ngày 11-3-2011, trận động đất có cường độ tới 9.0 độ Richter đã xảy ra ngoài khơi gần Sendai, thành phố duyên hải phía đông – bắc Nhật Bản. Thành phố 1 triệu dân này nằm trên cùng hòn đảo với thủ đô Tokyo (cách 300 cây số). Trong suốt mấy giờ sau đó, hơn 50 dư chấn, phần nhiều mạnh hơn 6 độ Richter đã xảy ra. Đây là trận động đất mạnh nhất trong lịch sử Nhật Bản, kể từ khi nước này bắt đầu ghi chép về động đất cách đây 140 năm. Nó là trận động đất mạnh thứ 5 xảy ra trên Trái đất trong 1 thế kỷ qua. Nhưng khủng khiếp nhất là trận động đất này đã gây ra sóng thần, có nơi cao tới 10 mét (33ft) vào vào sâu trong đất liền tới 10km (6 mile) càn quét hàng loạt vùng dân cư dọc bờ biển Nhật Bản. Sóng thần sau đó cũng đã lan tới đảo Hawaii của Mỹ và vùng duyên hải phía tây nước Mỹ. Và họa vô đơn chí, Nhật Bản còn phải đương đầu với nguy cơ một thảm họa hạt nhân do nhà máy điện hạt nhân Dai-ichi ở tỉnh Fukushima cách thủ đô Tokyo khoảng 240km bị động đất và sóng thần gây hư hỏng. Trong 6 lò phản ứng nhiệt hạch của nhà máy, có 3 lò (số 1, 2 và 3) đã bị cháy nổ và các thanh nhiên liệu hạt nhân bị nóng tan chảy. Hiện tượng rò rỉ phóng xạ đã xảy ra. Ngày 16-3-2011, bụi phóng xạ đã lan tới Tokyo, nhưng ở mức thấp. Nhiều chuyến bay quốc tế đã phải chuyển hướng, không dám đáp xuống sân bay Tokyo vì sợ bị nhiễm xạ.

Trong 2 năm qua, Nhật Bản đã nỗ lực thực hiện dự án tái xây dựng lại các cộng đồng và khử sạch phóng xạ của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi. Tuy nhiên tốc độ rất chậm chạp, nhất là khi cường quốc kinh tế châu Á này đang lâm vào tình trạng suy thoái trầm trọng, thậm chí đã mất vị trí nền kinh tế số 2 thế giới vào tay Trung Quốc. Ngày 11-3-2013, một nhóm gồm 800 nạn nhân ở tỉnh Fukushima phải bỏ nhà cửa gần khu vực nhà máy điện hạt nhân đã tiếp tục khởi kiện đòi chính phủ và công ty điều hành nhà máy điện là TEPCO phải bồi thường thiệt hại cho mình. Họ yêu cầu được trả 50.000 yen (625 USD) một tháng cho mỗi nạn nhân cho tới khi toàn bộ chất phóng xạ nhiễm trong khu vực được tẩy sạch. Theo các nhà chuyên môn, quá trình tẩy rửa phóng xạ này sẽ mất khoảng 40 năm. Đây là vụ nhiễm phóng xạ ở khu dân cư tệ hại nhất thế giới kể từ sau thảm kích Chernobyl ở Liên Xô cũ năm 1986. Công ty TEPCO sẽ phải tìm và thu hồi các nhiên liệu hạt nhân đã bị tan chảy từ bên trong các lò phản ứng, xử lý số thanh nhiên liệu hạt nhân đã sử dụng và xử lý nhiều tấn nước thải nhiễm phóng xạ vốn được dùng để làm nguội các lò hạt nhân.

Cho tới nay, ở khu vực thảm họa, hàng vạn người sống sót vẫn đang phải sống trong những căn nhà tạm bợ thiếu tiện nghi. Trong khi đó, các quan chức nhà nước nói rằng quá trình tái định cư các nạn nhân của vụ động đất và sóng thần năm 2011 sẽ mất tới 1 thập niên. Các luật sư cho biết số người tham gia vụ kiện có thể lên tới 10.000 người.

Kể từ khi đứng đầu Chính phủ Nhật Bản từ tháng 12-2012, Thủ tướng Shinzo Abe đã thường xuyên thăm khu vực thảm họa, hứa sẽ hành động nhanh hơn và có kế hoạch tăng ngân sách tái thiết dài hạn lên tới 25.000 tỷ yen (262 tỷ USD). Ngân sách trước chỉ có 19.000 tỷ yen (khoảng 200 tỷ USD).

Sau khi xảy ra thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima, 50 lò phản ứng hạt nhân khác của Nhật Bản vẫn còn bị đóng lại để kiểm tra. Mùa hè 2012, có 2 lò phản ứng đã được chạy lại để giúp giảm tình hình thiếu điện, nhưng hầu hết người Nhật Bản vẫn còn phản đối việc chạy lại các nhà máy điện hạt nhân khác. Thủ tướng Abe cho biết cần phải mất 10 năm mói có thể quyết định được nguồn năng lượng hỗn hợp mới của Nhật Bản sẽ như thế nào.

Còn nhớ lại những ngày này cách đây 2 năm, thế giới đã phải ngả nón khâm phục tinh thần của người Nhật Bản. Trước thảm họa khủng khiếp như vậy, người dân Phù Tang vẫn bình tĩnh và kiên cường. Không hề xảy ra tình trạng hỗn loạn và mất an ninh. Chính nhờ vậy mà các nỗ lực tiếp cứu và khắc phục hậu quả đã được tiến hành thuận lợi và hữu hiệu hơn. Nhiều câu chuyện xúc động đã được kể lại về sự kiên cường này.

Những bài học từ thảm họa động đất và sóng thần ở Nhật Bản tháng 3-2011 vẫn còn nóng hổi tính thời sự đối với thế giới. Nhiều nước đã phải xem xét lại các nhà máy điện hạt nhân của mình theo chiều hướng tìm nguồn năng lượng khác an toàn hơn thay thế. Vì thế, dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận của Việt Nam bị cộng đồng quốc tế soi rất kỹ. Có hai vấn đề nhức đầu được đặt ra. Một là loại hình điện hạt nhân không còn được thế giới khuyến khích vì nguy cơ của nó qua lớn, trong khi đây vẫn là một nguồn năng lượng quan trọng. Hai là với những “khuyết tật” mạn tính trong quản lý và điều hành, khởi đầu từ khâu xây dựng công trình, của Việt Nam, việc quản lý chất lượng và độ an toàn của dự án điện hạt nhân vẫn gây nhiều quan ngại. Chẳng cần phải suy nghĩ cao siêu gì đâu, cứ thấy nhãn tiền chuyện của Nhật Bản đó mà gẫm và lo cho mình. Nước người ta như vậy, mà còn bị như vậy thì mình ra sao? Không thể duy ý chí ở cái vụ này được đâu. Tất nhiên, giờ đây, nếu cứ quyết tâm phải có điện hạt nhân, ta sẽ phải càng cẩn trọng hơn bội bội lần. Ngoài những cái tiêu cực ra, cái bệnh “ẩu” theo kiểu “điếc không sợ súng” hay “chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ” của người Việt mình xưa nay vốn là “thầy chạy”.

Nói tới sóng thần, tôi vẫn chưa thể nào quên được cái cảm giác điếng người và đau đớn khi nhìn thấy hình ảnh trận sóng thần Ấn Độ Dương xảy ra ngày Chủ nhật 26-12-2004 (xuất phát từ trận động đất mạnh 9,1 – 9,3 độ Richter ở đảo Sumatra, Indonesia) càn quét Thái Lan, Sri Lanka,… giết chết hơn 230.000 người ở 14 nước và gây thiệt hại 14 tỷ USD. Sóng thần dựng cao tới 30 mét (100 feet). Trước đó tròn 2 tháng, cuối tháng 10-2004, tôi có mặt tại đảo Phuket dự hội nghị khu vực của hãng EPSON. Phuket là một trong những nơi bị sóng thần nặng nhất ở Thái Lan. Sau đó nhìn qua ảnh và video thấy cảnh khu khách sạn tôi từng ở và những nơi tôi từng lui tới, như bãi biển Patong Beach, cầu tàu,… bị sóng thần vùi dập, càn quét mà ớn lạnh. Cái cảm giác thiệt khó tả khi nhìn thấy những chỗ mình từng đứng giờ bị sóng thần xóa sổ. Có 256 người chết và 700 người mất tích trên đảo Phuket trong trận sóng thần đó.

PHP đang đứng ở cầu tàu Phuket ngày 27-10-2004, nơi 2 tháng sau bị sóng thần càn quét.

 

Các thiên tai xảy ra… theo ý trời. Nhưng Thượng đế cũng chơi “rất đẹp” (fair play) khi đều cho những dấu hiệu, những điềm báo trước. Vấn đề là ở đây giới hữu trách có nhận ra các điềm lạ ấy không và xử lý ra sao. Hầu như chẳng thể ngăn chặn được thiên tai, nhưng người ta hoàn toàn có thể giảm nhẹ được tác hại của chúng.

Con người luôn thiệt nhỏ bé và yếu đuối trước thiên nhiên. Vậy thì chớ có mà cao ngạo với tự nhiên!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 11-3-2013)

Sóng thần cao 10 mét (33ft) đổ vào thành phố Miyako (Nhật Bản) ngày 11-3-2011.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang cúi mình trước Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko trong lễ tưởng niệm các nạn nhân động đất và sóng thần năm 2011 ngày 11-3-2013 tại Tokyo.

Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko trong lễ tưởng niệm các nạn nhân động đất và sóng thần năm 2011 ngày 11-3-2013 tại Tokyo.

Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko trong lễ tưởng niệm các nạn nhân động đất và sóng thần năm 2011 ngày 11-3-2013 tại Tokyo.

Phút yên lặng tưởng niệm trong lễ tưởng niệm các nạn nhân động đất và sóng thần năm 2011 ngày 11-3-2013 tại Tokyo.

Phút yên lặng tưởng niệm trong lễ tưởng niệm các nạn nhân động đất và sóng thần năm 2011 ngày 11-3-2013 tại Tokyo.

Ngày 11-3-2013, người Nhật tưởng niệm cac1 nạn nhân dộng đất và sóng thần tại bãi biển Iwaki thuộc tỉnh Fukushima, nơi xảy ra thảm họa cách đây 2 năm.

Ngày 11-3-2013, người Nhật tưởng niệm cac1 nạn nhân dộng đất và sóng thần tại bãi biển Iwaki thuộc tỉnh Fukushima, nơi xảy ra thảm họa cách đây 2 năm.

Ngày 11-3-2013, một người đàn ông đang cầu nguyện tại đài tưởng niệm trước cổng vào trường tiểu học Okawa tại Ishinomaki (tỉnh Miyagi), nơi có 74 trong số 108 học sinh của trường bị sóng thần cuốn mất tích ngày 11-3-2011.

Cầu nguyện ngày 11-3-2013 tại thị trấn Namie, bên trong khu vực cấm vào (no-go zone) ở khu vực nhà máy điện hạt nhân Dai-ichi ở tỉnh Fukushima. Đây là nơi vẫn còn nhiễm xạ.

Ngày 11-3-2013, lễ cầu sioêu cho nạn nhân động đất và sóng thần tại bãi biển Arahama ở Sendai (tỉnh Miyagi),

Ảnh chụp từ trên không cho thấy nhà máy điện hạt nhân Dai-ichi ở tỉnh Fukushima ngày 11-3-2013, đúng 2 năm sau khi xảy ra thảm họa.

MỜI ĐỌC THÊM:

Sóng thần ở một trường tiểu học Nhật Bản

VIDEO CLIPS:

Japan tsunami 11-3-2011.