Thứ Bảy ngày 27 tháng 4 năm 2024

Giá như tôi biết mừng sinh nhật mẹ khi bà còn trên cõi đời…

131224-phphuoc-sinhnhat-mom-003_resize

 

Rốt cục tính tới tính lui, đếm xuôi đếm ngược, cho tới ngày 25-12-2013 này, tôi chỉ mới làm sinh nhật cho mẹ mình có… 5 lần, 5 lần trong 89 năm cuộc đời mẹ và 56 năm cuộc đời con. Nhưng tôi tin rằng với lòng hy sinh cho con cháu trọn cả cuộc đời và cách riêng là tình yêu thương dành cho tôi, kẻ mà 2 đứa em tôi “ganh tị” rằng “mẹ thương anh nhất trong các con của mình”, mẹ hiểu tôi chẳng phải là kẻ tội đồ “đại bất hiếu”, mà chỉ là một “kẻ vô tâm”.  

Tôi sinh ra và lớn lên trong những thời kỳ đầy biến động và nhiễu nhương, lại ở xứ nghèo biên giới Tây Nam bộ nên từ khi hiểu biết (năm 3-4 tuổi chi đó) chẳng hề biết tới cái khái niệm sinh nhật. Lớn lên trôi theo dòng đời ngược xuôi, chìm nổi cũng chớ hề bận tâm tới chuyện kỷ niệm ngày sinh – chèng đéc ơi, mỗi năm già thêm một tuổi cớ chi lại đi ăn mừng kia chớ. Mãi tới khi có con rồi mới a dua cùng thiên hạ, bạn con mình có sinh nhật thì con mình cũng không thể thiệt thòi. Còn người lớn thì miễn bàn. No way, chớ có ham!

Vốn rất sợ làm phiền người khác, khi bị áp đặt cho có mấy cái “ghế nóng” phải ngồi, tôi càng giữ ý dữ hơn. Hễ tới ngày sinh nhật là tôi “lặn” thiệt sâu ở đâu đó ngoài thành phố để mọi người khỏi lo chạm phải cái mặt của tôi vào cái “ngày vía” này. Tôi còn cẩn thận bắn tiếng qua các kênh truyền thông “bà Tám” rằng tôi không muốn nhận quà của ai hết, gửi lời chúc mừng là vui rồi. Có những người thắc mắc vì sao tôi chẳng biết “tranh thủ” mà làm cái trò sinh nhật. Tôi nửa đùa nửa thiệt nói rằng tôi mà mần sinh nhật là phải mỗi tháng một lần mới chịu – thì “sinh nhật” là “ngày sinh” (tháng nào cũng có) chớ đâu có phải là “sinh nguyệt” (cái chữ này tôi ráng banh mắt kẻo gõ lộn mẫu tự đầu).

Vậy nên mẹ tôi cũng đành chịu thiệt thòi và hẩm hiu. Khi vào tuổi thất tuần, bà nói với con cháu rằng bà không nhớ ngày sinh của mình nên cứ lấy ngày Chúa Jesus ra đời làm ngày sinh của bà. Từ đó, con cháu ghi nhớ ngày sinh của bà là 25-12. Nhưng cũng chỉ biết vậy thôi, chớ lũ con vô tâm chẳng có hành động chi ráo!

Tháng 7-2009, mẹ tôi về với Chúa, mãn hạn nhiệm kỳ sống trên trần gian dài 86 năm (tương đương 21,5 nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ). Mấy tháng sau, trong một lần hiện về với đứa con gái duy nhất của mình, bà tâm sự rằng: hồi còn sống, mỗi khi thấy các con làm sinh nhật cho các cháu của bà, bà thích lắm và luôn ao ước mình có được một chiếc bánh sinh nhật như vậy!

Nghe đứa em gái thuật lại, tôi đau xót tâm cang và tự giận mình sao quá vô tâm. Khi mẹ được Thượng đế ban cho sống với mình, tôi đã coi đó là chuyện bình thường, chẳng hề biết trân trọng cái đặc ân đó. Tôi cứ đâm đầu lao vào công việc (chẳng phải với mục đích quyền cao chức trọng hay làm giàu mà chủ yếu để “làm được cái gì đó cho tha nhân”), bỏ bê mẹ tôi vò võ quanh năm suốt tháng. Thậm chí tôi còn đem lòng khó chịu khi mỗi sáng mẹ lọm khọm lần bước ra tận cửa nhà tiễn tôi đi làm với lời nhắn nhủ: “con nhớ sớm về với mẹ, ở nhà một mình mẹ sợ lắm”. Để rồi mỗi khi tôi về tới nhà, mẹ mừng vui hớn hở như con nít được quà. Vậy mà tôi cứ vô tâm, coi mọi chuyện là bình thường.

Vào ngày giỗ mẹ lần đầu năm 2010, tôi có làm một bài thơ:

 

Một năm không có mẹ

 

Hôm nay giỗ mẹ lần đầu

Một năm vắng mẹ nỗi sầu nặng thêm.

Đồng hồ vẫn gõ nhịp đêm

Đâu rồi tiếng mẹ đêm đêm hỏi giờ.

Mẹ nay di ảnh bàn thờ

Âm dương cách biệt vẫn ngờ chiêm bao.

Nhiều khi con muốn thét gào

Cho bung thương nhớ đang cào ruột gan.

Hiểu ra thì đã muộn màng

Người con yêu nhất trần gian: mẹ hiền!

 

Cả đời mẹ gánh ưu phiền

Cho con ngẩng mặt làm duyên với đời.

Con đi khắp bốn phương trời

Bỏ bê mẹ sống như người không con!

 

Con giờ nhớ mẹ sớm hôm

Muốn ôm lấy mẹ đành ôm bàn thờ.

 

Và gọi là để chuộc tội, từ năm 2009, tôi đều làm sinh nhật cho mẹ mình ngay bên bàn thờ bà vào đêm 24-12. Đơn giản chỉ là một chiếc bánh sinh nhật nho nhỏ với mấy cây nến số ghi tuổi của bà (tới năm 2013 này, con số đã là 89). Và năm nào, trong 2 ngày 24 và 25-12, tôi luôn có cảm giác rằng mẹ mình đang ở bên bàn thờ bà. Những tàn nhang thường cong vòng theo kiểu khác thường như những “dấu chỉ” mà mẹ tôi vẫn thể hiện mỗi khi bà về thăm con cháu. (Chuyện này kỳ lạ lắm, nhưng xin hiểu là tôi hỗng phải là “người cõi trên”.)

Dẫu biết rằng bây giờ có làm gì đi nữa thì cũng đã quá muộn màng rồi, tôi đành chịu tội với Trời với mẹ, tôi làm như vậy chủ yếu để cho mấy đứa con của mình chớ có phạm lỗi tày đình như tía của chúng. Đó là lý do mà mấy năm sau này, tôi chỉ nhắc ngày, còn để hai đứa cháu nội của mẹ tôi lo chuyện mừng sinh nhật người đã sinh ra tía cho chúng. Từ ngày đứa con gái lớn ra trường và đi làm, tôi giao cho nó lo chuyện mua bánh sinh nhật cho bà nội. Chẳng phải là “bán cái”đâu, mà tôi muốn cho chúng luôn nhớ tới bà nội của mình một cách cụ thể hơn.

Tôi thì đã hối chẳng kịp nữa rồi. Chỉ dám mong các bạn bè mình khi còn được Thượng đế cho có cha, có mẹ sống bên mình hãy lấy tấm gương tày liếp của tôi ra mà đừng lơ là, bỏ bê các đấng sinh thành của mình. Khi không còn cha mẹ trên đời nữa, tôi mới thèm khát cháy bỏng có được cha mẹ bên mình. Tôi ân hận cả đời lẽ ra mình báo hiếu, đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục ngay từ khi cha mẹ còn sống trên đời. Đâu cần phải bất hiếu, chỉ cần vô tâm thôi cũng đủ để ân hận mãn kiếp – như tôi!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 25-12-2013)

+ ẢNH: Sinh nhật 89 của mẹ tôi ngày 25-12-2013.

131224-phphuoc-sinhnhat-mom-004_resize

131224-phphuoc-sinhnhat-mom-006_resize

131224-phphuoc-sinhnhat-mom-009_resize