Thứ Ba ngày 16 tháng 4 năm 2024

Những bài hát tống cựu, nghinh tân của xứ Tây

2014-new-year-fireworks-sydney

 

Cũng Tây mà là Tây Ninh, cũng Mỹ mà là Mỹ Tho, cũng Đức mà là Đức Hòa, mấy ngày cuối năm nghe rả rả khắp làng trên xóm dưới đầy tiếc nuối “Cuối năm ngồi tính lại sổ đời. Ba trăm ngày vui đã qua mất rồi…” (bài hát “Chuyện ngày cuối năm” của Song Ngọc); rồi qua ngày đầu năm tưng bừng, rộn rã “Xuân đã về, xuân đã về, kìa bao ánh xuân về tràn lan mênh mang” (bài hát “Xuân đã về” của Minh Kỳ).

Còn ở bên Tây thiệt, Mỹ xịn, Đức gin thì sao?

 

CHIA TAY NĂM CŨ VỚI “AULD LANG SYNE”

 

Vào trước lúc Giao thừa, đặc biệt là trong bữa tiệc tất niên đón Năm mới, người phương Tây hè nhau hát một bài hát truyền thống mang tên “Auld Lang Syne”. Và điều đáng nói là cái bài này chớ hề xa lạ với người Việt mình, chỉ có điều nó được xài trong những dịp khác.

Những ai sống ở miền Nam trước năm 1975 ắt còn nhớ ở các rạp hát, mỗi khi hạ màn một vở cải lương hay kịch, ban nhạc lại trổi lên cái bài này. Hồi đó, bọn nhóc tì tụi tôi nhại theo điệu nhạc mà rằng: “Ò e Rô-be đánh đu, Tặc-dăng nhảy dù, Zô-rô bắn súng. Chết cha con ma nào đây, thằng Tây hết hồn, thằn lằn cụt đuôi”. Lời bài hát được lồng vào tên những nhân vật điện ảnh lừng danh từng hớp hồn giới trẻ, và tới khi con thằn lằn cụt đuôi có nghĩa là… hết chuyện!

Sớm hơn nữa là từ trước năm 1945 ở Việt Nam, giới hướng đạo sinh, học sinh hay các tổ chức thanh thiếu niên cũng dựa theo nhạc bài này mà đặt lời bài hát tập thể mỗi khi chia tay nhau: “Giờ đây anh em chúng ta cùng nhau giã từ lòng còn lưu luyến. Cách xa nhưng ta hằng mong rồi đây có ngày còn được gặp nhau.”

Nhưng buồn thảm nhất là điệu nhạc này luôn được trỗi lên trong những đám ma coi như lời tiếc thương và đưa tiễn người quá cố.

Auld Lang Syne là một điệu nhạc dân ca Scotland đã được thi sĩ Robert Burns phổ lời thơ vào năm 1788. Auld Lang Syne (đọc là [ˈɔːl(d) lɑŋˈsəin]) là tiếng Scotland cổ, nếu viết theo tiếng Anh ngày nay là “old long since” (đã lâu lắm rồi,…). Lời bài hát kể về niềm vui của những người bạn được gặp lại nhau sau bao nhiêu năm xa cách, ngồi bên nhau vừa uống rượu, vừa nhắc lại những kỷ niệm xưa,… Theo bạn Trần Đình Hoành, thi sĩ Burns sau đó đã gửi bài hát này vào Viện Bảo tàng Âm nhạc Scotland với lời ghi chú: “Đây là một bản nhạc cổ xưa, chưa bao giờ được in ra, chưa bao giờ được viết lại, cho đến khi tôi ghi lại từ một ông cụ.”

Bách khoa Từ điển Wikipedia cho biết: Cái câu “Auld Lang Syne” là một thành ngữ cổ của dân Scotland. Nó đã xuất hiện trong những bài thơ của Robert Ayton (1570–1638), Allan Ramsay (1686–1757), và James Watson (1711), cũng như trong các bài dân ca cũ hơn. Nhà văn Matthew Fitt vẫn quen dùng câu “In the days of auld lang syne” (tức “Once upon a time…” hay “Ngày xửa ngày xưa…”) để mở đầu những câu chuyện cổ tích mà ông kể lại bằng tiếng Scotland.

Nhưng “Auld Lang Syne” đã vang danh toàn thế giới và trở nên bất hủ với bản nhạc do thi sĩ Burn đặt lời. Khi lan truyền đi khắp thế giới, nhất là ở các nước nói tiếng Anh, bài hát này còn được dùng trong nhiều dịp khác nữa. Bạn Mai Trang cho biết:

– Ở Đài Loan, người ta hát Auld Lang Syne trong lễ tốt nghiệp, đôi khi cả ở đám tang như một cách nói lời chia tay hoặc kết thúc điều gì đó.

– Ở Nhật Bản, một số siêu thị chơi bản này để nhắc nhở khách hàng tới giờ đóng cửa.

– Ở Hàn Quốc, giai điệu quen thuộc này từng là quốc thiều với lời tiếng Hàn trước khi có bài quốc thiều chính thức Aegukga (Ái quốc ca).

– Ở Ấn Độ, khi đoàn tân binh diễn hành rời khán đài, bài này cử lên và binh lính phải bước thật chậm.

Tuy giai điệu nhạc ngắn gọn và dễ hát, nhưng lời bài hát Auld Lang Syne được viết dài dòng với nhiều phân đoạn được nối với nhau bằng điệp khúc. Ở đây, tôi chỉ giới thiệu một phân đoạn chính và điệp khúc bằng tiếng Anh:

 

Auld Lang Syne

 

Should old acquaintance be forgot,

and never brought to mind ?

Should old acquaintance be forgot,

and old lang syne ?

CHORUS:

For auld lang syne, my dear,

for auld lang syne,

we’ll take a cup of kindness yet,

for auld lang syne.

 auld-lang-syne-lyrics

Và bạn Trần Đình Hoành đã dịch sang tiếng Việt:

 

Những ngày đã xa

 

Nên quên đi thân thuộc cũ

Và không bao giờ nhớ lại?

Nên quên đi thân thuộc cũ

Và những ngày đã xa?

ĐIỆP KHÚC:

Cho những ngày đã xa, bạn quý

Cho những ngày đã xa

Chúng ta sẽ nâng chén ân cần

Cho những ngày đã xa.

 

Mời bạn nghe:

Auld Lang Syne – Dougie MacLean hát lời nguyên thủy tiếng Scotland

Auld Lang Syne – remix với lời hát

 Auld Lang Syne do Andre Rieu trình diễn năm 2006

 

ĐÓN MỪNG NĂM MỚI VỚI “HAPPY NEW YEAR”

Có thể nói rằng ngày nay chẳng có một cuộc đón mừng năm mới dương lịch nào có thể thiếu vắng bài hát “Happy New Year” của ban nhạc ABBA.

Bài hát Happy New Year đã được ban nhạc Thụy Điển này ghi âm trong album Super Trouper phát hành năm 1980 của họ. Và từ đó, nó nhanh chóng được phổ biến khắp thế giới như một bài hát truyền thống khi thiên hạ đón mừng năm mới và được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Mãi tới năm 1999, Happy New Year mới được phát hành riêng rẽ dưới dạng đĩa đơn single. Hồi tháng 12-2011, một đĩa đơn loại đĩa than mạ bạc (silver glitter vinyl single) gồm 2 ca khúc Happy New Year và The Way Old Friends Do đã được ABBA phát hành với số bản hạn chế 500 bản. Nó chỉ được bán trên website chính thức của ABBA và website của fan ABBF. Toàn bộ đã được bán sạch trong ngày đầu tiên. Sau này có nơi bán lại với giá 175 euro.

Điều kỳ lạ là Happy New Year cuốn hút người ta bằng cả giai điệu nhạc vui tươi, háo hức lẫn lời nhạc buồn buồn, tiếc nuối.

Bài hát Happy New Year có 3 phân đoạn nối với nhau bằng điệp khúc. Đây là phân đoạn đầu tiên và phần điệp khúc:

 

Happy New Year

 

No more champagne
And the fireworks are through
Here we are, me and you
Feeling lost and feeling blue
It’s the end of the party
And the morning seems so grey
So unlike yesterday
Now’s the time for us to say

CHORUS:
Happy new year
Happy new year
May we all have a vision now and then
Of a world where every neighbour is a friend
Happy new year
Happy new year
May we all have our hopes, our will to try
If we don’t we might as well lay down and die
You and I

 HappyNewYear

Lời Việt của bạn TĐH:

 

Chúc mừng năm mới

 

Không còn sâm-banh

Và pháo hoa đã xong

Chỉ chúng ta đây, tôi và anh

Cảm thấy lạc lõng và buồn

Tiệc đã tàn

Và buổi sáng thấy quá xám

Thật khác hôm qua

Bây giờ là lúc để chúng ta nói…

ĐK:

Chúc mừng năm mới

Chúc mừng năm mới

Chúc chúng ta thỉnh thoảng có được viễn ảnh

Của một thế giới trong đó mỗi láng giềng là một người bạn

Chúc mừng năm mới

Chúc mừng năm mới

Chúc tất cả chúng ta có hy vọng, ý chí để cố gắng

Nếu không thì tốt hơn là chúng ta nằm xuống và chết

Anh và tôi

 

Mới bạn nghe bài Happy New Year – ABBA

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 1-1-2014)

+ ẢNH: Pháo hoa giao thừa 2014 trên khắp thế giới. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks).

2014-new-year-fireworks-berlin

2014-new-year-fireworks-brazil-rio-de-janeiro

2014-new-year-fireworks-brazil-rio-de-janeiro-2

2014-new-year-fireworks-dubai

2014-new-year-fireworks-dubai-2

2014-new-year-fireworks-edinburgh-scotland

2014-new-year-fireworks-hongkong

2014-new-year-fireworks-hongkong-2

2014-new-year-fireworks-jakarta

2014-new-year-fireworks-korea-pyongyang

2014-new-year-fireworks-kuala-lumpur

2014-new-year-fireworks-kuala-lumpur-2

2014-new-year-fireworks-london-01

2014-new-year-fireworks-london-02

2014-new-year-fireworks-london-03

2014-new-year-fireworks-london-04

2014-new-year-fireworks-london-05

2014-new-year-fireworks-manchester-01

2014-new-year-fireworks-moscow-red-square

2014-new-year-fireworks-moscow-red-square-2

2014-new-year-fireworks-newyork-times-square

2014-new-year-fireworks-seoul

2014-new-year-fireworks-south-korea-jeju

2014-new-year-fireworks-sydney

2014-new-year-fireworks-sydney-2

2014-new-year-fireworks-sydney-3

2014-new-year-fireworks-sydney-4

2014-new-year-fireworks-tokyo