Thứ Ba ngày 23 tháng 4 năm 2024

LANG THANG JAKARTA: Cỡi rồng Komodo vào Internet ở Indonesia

140414-phphuoc-jakarta-asus-041_resize

Phải rinh bàn ra kê ngoài cửa phòng khách sạn mới có sóng Internet.

 

Với những người thuộc “bộ tộc” Netizen (công dân Internet) như ai đó đây nè, ở đâu mà không thể kết nối Internet cũng giống như con cá bị thẩy vào nơi không có nước. Bởi vậy, cánh nhà báo công nghệ tụi tui vẫn luôn phải hát bài ca con cá “con cá nó sống vì nước, tui sống nhờ Internet” với các bạn phụ trách truyền thông của các hãng mời mình dự event của họ để trả giá rằng cho ở trên sân thượng khách sạn cũng đặng, miễn là có Internet miễn phí bao la bát ngát.

Mà chuyện rồng Komodo (Komodo dragon) thì đây là loài thằn lằn khổng lồ lớn nhất thế giới chỉ có trên vài ba hòn đảo của Indonesia, mà nổi tiếng nhất là cái đảo bị chết tên là đảo Komodo. Đảo này thuộc tỉnh East Nusa Tenggara nằm ở miền đông quần đảo Lesser Sunda. Nó là một trong 17.508 hòn đảo ở Indonesia, có diện tích hơn 360 km vuông với dân cư hơn 2.000 người. Loài bò sát 4 chân có tên khoa học Varanus komodoensisnày lớn nhất có chiều dài 3 mét (10ft) và nặng 70kg (150 pound). Các hóa thạch rất giống rồng Komodo được tìm thấy ở Úc có niên đại hơn 3,8 triệu năm.

Rồng Komodo là loài bò sát (đã bò mà còn sát nữa thì đủ biết tốc độ nó như thế nào), chớ hề biết bay như rồng Việt mình, nên tốc độ của nó thuộc diện hên xui, hên thì bò bình thường, xui thì theo tam bộ nhất bái, bò 3 bước dừng lại bái một cái (có nghĩa là chạy chút xíu lại bị đá văng ra rồi phải làm thủ tục đăng nhập lại). Khách sạn Santika Jakarta 4 sao trên đường Jl. Aipda K.S. Tubun mà chúng tôi tá túc thuộc diện “rồng Komodo xui”.

140414-phphuoc-jakarta-asus-039_resize

Ngay tại lobby khi ngồi chờ làm thủ tục nhận phòng, mọi người đã được trải nghiệm ngay cái đoạn trường Internet. Có Wi-Fi miễn phí, nhưng chỉ vài ba bạn nhanh chân nhảy phóc được lên lưng Komodo là hết “tải trọng” (băng thông).

Lên phòng cứ tưởng sẽ có Internet khá hơn, dè đâu còn tệ hơn vợ thằng Đậu. Thủ tục đăng nhập có username là số phòng và password là họ tên đầy đủ như trong giấy đăng ký. Bây giờ tôi mới thấm thía nỗi khổ của người có họ tên dài dòng. Tôi sực nhớ lại hồi mình đi học trung học đệ nhất cấp, trong lớp có bạn tên Lê Tích, mỗi khi bị thầy cô bắt chép phạt một vài trăm lần họ tên, chỉ có bạn đó là nhởn nhơ “thụ hình” xong sớm nhất. Tín hiệu sóng luôn báo Strong với 4-5 cột, nhưng băng thông thì như đường bờ ruộng dưới quê. Tôi phải rinh bàn ra kê sát cửa mới có thể log-in vào được Internet. Tuy nhiên, chừng vài chục phút là bị đá văng ra, phải làm thủ tục vào lại. Kết nối trong phòng chỉ đủ chỗ cho một thiết bị truy cập Internet thôi (xài laptop thì miễn smartphone). Mà cái này mới lạ à nghen, đang xài Firefox vào Internet, nếu muốn mở thêm Chrome thì phải làm thủ tục đăng nhập lại và bên Firefox sẽ bị ngắt.

Thấy trong phòng có cổng LAN để kết nối Internet bằng cáp, hy vọng sẽ có chất lượng tốt hơn, tôi chạy xuống bộ phận tiếp tân hỏi mượn sợi cáp. Mấy nàng lịch sự bảo rằng khách sạn mình chớ hề có cái sợi dây lòng thòng đó.

Đó là lý do vì sao mấy ngày ở Jakarta, tôi hỗng làm gì được trên wall Facebook của mình. Muốn viết bài, tôi phải tranh thủ lúc nghỉ giải lao ở hội trường mà vào Net tìm tài liệu sẵn rồi về viết offline.

Ở Jakarta có dự án phủ sóng Wi-Fi miễn phí đang tiếp tục lắp đặt các trạm hotspot dọc theo các đường phố chính. Theo báo Jakarta Globe, chính quyền thủ đô không phải chi đồng ngân sách nào cho dự án này. Hồi năm 2012, khi còn là Thị trưởng Jakarta, ông Fauzi Bowo từng khoe với báo giới cách làm của thành phố này là: “Việc lắp đặt các trạm Free Wi-Fi là một khoản đền bù từ các công ty đã được quyền lắp đặt hệ thống cáp quang dọc theo các đường phố đó.” Trong những ngày ở Jakarta, tôi có thử đăng nhập vào các hostpot [email protected]. Sau khi đăng nhập, thiết bị di động sẽ cho mở một trang web lên cung cấp thông tin và yêu cầu click lên nút Continue để log-in và sử dụng, không cần phải nhập password gì. Trong hội trường của khách sạn Pullman Jakarta gần trung tâm mua sắm Central Park, sóng vẫn tốt.

Do thuê bao di động của mình có đăng ký Roaming quốc tế, khi vừa tới sân bay Jakarta, tôi nhận được tin nhắn của MobiFone đề xuất tôi chọn mạng Telkomsel nếu muốn truy cập Internet qua sóng 3G. Mạng này tính cước trọn gói tối đa 249.000 đồng cho truy cập không giới hạn dung lượng data trong 24 giờ. Nếu muốn tính cước theo dung lượng phát sinh thực tế thì vào các mạng khác, tất nhiên xài nhiều sẽ tốn tiền gấp bội. Bạn Lê Duy ở Mobile World mới nói được vài ba câu trả lời cuộc gọi điện của em nào đó bên nhà vọng sang là đứt bay 50.000 đồng còn sót trong cái thẻ mang theo từ Việt Nam.

Trong khi đó, nếu chỉ có nhu cầu vào Internet để check mail, tám trên Facebook, lướt web xem thiên hạ hỉ nộ ái ố với nhau, giải pháp rẻ tiền nhất là mua một SIM 3G của Indonesia. Bạn Lê Duy mua chiếc SIM 3G với dung lượng ghi là 50MB giá 10.000 rupiah (18.400 đồng) mà xài đã đời từ ngày 14 tới khi ra sân bay về Việt Nam hôm 16-4-2014.

Một lần nữa, tôi xin thiệt thà khai báo với các bạn: tôi đi cùng trời cuối đất khắp thiên hạ rồi, chỉ có ở Việt Nam là “Internet thiên hạ vô đối”, như thể sóng Internet đã được hòa tan cùng không khí!

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 17-4-2014)