Thứ Bảy ngày 27 tháng 4 năm 2024

Chẳng lẽ hãng hàng không Malaysia Airlines có huông?

140717-flight-mh17-shut-down-ukraine-07

 

Vậy là những người dự định sáng thứ Sáu 18-7-2014 ra đón hành khách trên chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS) từ Amsterdam (Hà Lan) về Kuala Lumpur (Malaysia) đành phải hủy bỏ chuyến đi. Mà có lẽ, họ đã có mặt tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur từ tối 17-7 trong nỗi lo lắng, sợ hãi và đau xé lòng sau khi nghe tin dữ dội về: chiếc Boeing B777 đó đã bị một quả tên lửa bắn hạ khi đang bay qua bầu trời Ukraine đầy lửa đạn.

Một phóng viên của hãng tin Mỹ AP tại chỗ cho biết những cụm khói đen bốc cao gần một ngôi làng đang nằm trong tay phiến quân ở Grabovo, miền đông Ukraine. Trước mắt, có ít nhất 22 thi thể nạn nhân đã được ghi nhận tại hiện trường tai nạn chỉ cách biên giới Nga có 40km. Chiếc máy bay bất hạnh đã nổ tung trước khi rơi xuống đất bốc cháy. Những bộ phận con người và hành lý của hành khách văng rải khắp một vùng đất rộng.

Làng Grabovo hiện đang do quân ly khai kiểm soát và trong những ngày gần đây đã nổ ra giao tranh dữ dội giữa họ và quân đội.

Hãng MAS xác nhận đã nhận được tin báo của cơ quan hàng không Ukraine cho biết đã mất liên lạc với chuyến bay MH17 vào lúc 14:15 giờ quốc tế GMT (tức 21:15 giờ Việt Nam) cách điểm kiểm tra Tamak khoảng 30km và cách biên giới Nga khoảng 50km. Hãng hàng không cho biết chuyến bay này chở 283 hành khách (có 3 trẻ sơ sinh) và 15 nhân viên phi hành cất cánh từ Amsterdam lúc 12:15 PM ngày 17-7 và dự định sẽ về tới Kuala Lumpur lúc 6:10 sáng 18-7. Coi như không còn ai sống sót. Có tin nói rằng có 23 công dân Mỹ.

Cả hai bên chính quyền và quân ly khai thân Nga ở Ukraine đều tuyên bố không liên quan gì tới vụ bắn hạ chuyến bay MH17. Tổng thống Petro Poroshenko của Ukraine gọi đây là một hành động khủng bố và kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế.

Anton Gerashenko, một cố vấn của Bộ Nội vụ Ukraine, cho biết lúc lâm nạn, máy bay đang bay ở độ cao 10.000m (33.000ft). Nó trúng một quả tên lửa được bắn từ giàn phóng Buk 9K37 (mà NATO gọi là SA-11 Gadfly) có khả năng bắn cao tới 22.000m (72.000ft).

Chiếc máy bay bất hạnh này là một chiếc Boeing 777-200ER được giao cho hãng MAS ngày 30-7-1997. Nó đã có hơn 43.000 giờ bay và 6.950 lần cất cánh, hạ cánh.

Tổng thống Poroshenko khẳng định quân đội của mình không bắn vào một mục tiêu máy bay nào. Còn thủ lĩnh ly khai Andrei Purgin đoan chắc rằng quân đội Ukraine đã bắn quả tên lửa đó. Ông ta không dám chắc rằng quân nổi dậy có sở hữu giàn phóng tên lửa Buk không, nhưng nói thêm rằng cho dù có trong tay, họ cũng chẳng có ai có khả năng điều khiển nó. Các phóng viên hãng tin AP hôm 17-7 đã nhìn thấy một hệ thống tên lửa Buk ở gần thị trấn Snizhne của miền đông Ukraine hiện do phiến quân chiếm đóng.

Đây là tai nạn máy bay thảm khốc thứ hai của hãng MAS trong vòng chưa đầy 6 tháng qua. Hôm 8-3-2014, một chiếc B777 trong chuyến bay MH370 từ Kuala Lumpur bay đi Bắc Kinh đã biến mất một cách bí ẩn cho tới nay với 227 hành khách và 12 nhân viên phi hành thuộc 14 quốc tịch. Cho tới nay, việc tìm kiếm tung tích chuyến bay 370 vẫn đang diễn ra ở Ấn Độ Dương gần nước Úc.

Chẳng lẽ hãng MAS có huông sao ta? MH370 và MH17, cả hai chuyến bay xấu số đều có số 7 trên tên hiệu. Quả là phước bất trùng lai, họa vô đơn chí. Thêm vụ này, ai còn dám can đảm đi máy bay MAS nữa?

Lại một câu hỏi nhức nhối cho hãng hàng không Malaysia: vì sao họ vẫn cho chuyến bay tiếp tục đi vào các đường bay ở vùng chiến sự đang leo thang khốc liệt đó?

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 18-7-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

140717-flight-mh17-shut-down-ukraine-01 140717-flight-mh17-shut-down-ukraine-02 140717-flight-mh17-shut-down-ukraine-03 140717-flight-mh17-shut-down-ukraine-04 140717-flight-mh17-shut-down-ukraine-05 140717-flight-mh17-shut-down-ukraine-06