Thứ Năm ngày 28 tháng 3 năm 2024

Nhật Bản vận động người dân tích trữ giấy vệ sinh để đề phòng… động đất

140901-japan toilet paper campaign-01

 

Xứ sở Phù Tang đã bắt đầu tháng 9-2014 với một thông điệp được gửi đi cho người dân khắp cả nước. Nội dung thông điệp này khá là bất thường, nhưng lại thật sự là thiết thực: Đừng chờ đợi cho tới khi quá trễ để nghĩ về… giấy vệ sinh.

Chính phủ Nhật Bản và gần 40 công ty giấy vệ sinh nước này đã khởi động cuộc vận động “Chúng ta hãy dự trữ giấy vệ sinh” để đánh dấu Ngày Phòng tránh Thiên tai hàng năm (tổ chức vào ngày 1-9). Họ khuyến cáo mọi người rằng một cuộc khủng hoảng giấy vệ sinh là điều có thể xảy ra vì gần một nửa số nhà máy sản xuất loại giấy thiết thực cho cuộc sống này nằm tại một trong những khu vực thường xảy ra động đất nhất ở Nhật Bản.

Các quan chức nói rằng mọi người hãy lập tức nghĩ ngay tới lương thực và nước uống như là những món dự trữ cho tình trạng khẩn cấp, nhưng đồng thời cũng chớ có quên món giấy vệ sinh.

Không chỉ hô hào suông, các hãng sản xuất đã đưa ra loại cuộn giấy vệ sinh đặc biệt dành cho tình trạng khẩn cấp. Đó là loại giấy một lớp với độ dài tới 150 mét có thể dùng trong thời gian dài gấp đôi loại giấy bình thường. Theo Satoshi Kurosaki, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Giấy gia dụng Nhật Bản, một gia đình 4 người có thể chịu đựng được một tháng với một túi chứa 6 cuộn giấy vệ sinh loại này, giá khoảng 460 yên (4,40 USD) và có thời hạn sử dụng lâu tới 5 năm. Ông nhấn mạnh: “Giấy vệ sinh là một thành phần không thể thiếu được trong cuộc sống hàng ngày. Với việc có 41% nguồn cung ứng tới từ vùng cực kỳ nguy hiểm, chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng.”

Có tới 41% nguồn cung ứng giấy vệ sinh của Nhật Bản nằm tại tỉnh Shizuoka (miền trung Nhật Bản), nơi mà các chuyên gia dự báo rằng có tới hơn 80% khả năng hứng chịu một trận động đất ngoài bờ biển lớn trong vòng 30 năm tới. Nếu như xảy ra một thiên tai như vậy, toàn bộ nước Nhật sẽ phải chịu tình trạng khan hiếm giấy vệ sinh trong khoảng 1 tháng. Dự báo này dựa trên thực tế trận động đất và sóng thần khủng khiếp tại miền bắc Nhật Bản hồi tháng 3-2011 làm khoảng 19.000 người chết và mất tích. 9 tháng sau khi xảy ra trận thiên tai chết chóc đó, giấy vệ sinh đã được bổ sung vào danh sách các thứ được khuyến cáo phải chuẩn bị đề phòng thiên tai, gồm thực phẩm, nước, nhà vệ sinh cơ động, và dụng cụ cấp cứu trong Kế hoạch Quản lý Thiên tai Cơ bản của chính phủ.

Từ sau thảm kịch thiên tai 2011 đó, Nhật Bản đã có ý thức và kế hoạch cụ thể chuẩn bị đối phó với thiên tai một cách nghiêm túc hơn. Hàng năm có hàng trăm ngàn người tham gia cuộc diễn tập phòng chống thiên tai vào ngày 1-9, ngày ghi nhớ thảm họa động đất Great Kanto năm 1923 giết chết hơn 140.000 người tại Tokyo.

Vì sao lại nhấn mạnh tới loại giấy nếu không bị coi là tầm thường thì cũng là “nhạy cảm” này? Toshiyuki Hashimoto, một quan chức của Bộ Công nghiệp phụ trách về các sản phẩm giấy, giải thích: “Khi hết giấy vệ sinh, người ta bắt đầu dùng vải, và có thể gây nghẹt các bồn cầu rất cần thiết trong tình huống đó.” Sau các thảm họa thiên tai và nhân tai, tình trạng vệ sinh chung là cực kỳ quan trọng, tránh phát sinh dịch bệnh. Bên cạnh đó, xét về mặt tâm lý, khi cảm thấy được thoải mái trong cái sự một trong “tứ khoái”, người ta cũng giảm bớt được nguy cơ chấn thương tâm thần. Chẳng có đùa đâu!

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 1-9-2014)

+ Ảnh: Ông Satoshi Kurosaki, một nhà lãnh đạo công nghiệp, giới thiệu túi giấy vệ sinh khẩn cấp mới tại Tokyo ngày 1-9-2014. (Ảnh: AP/Mari Yamaguchi)

+ Có thể đọc trên báo Tuổi Trẻ Online