Thứ Năm ngày 28 tháng 3 năm 2024

Mỹ và Nga lại bắt tay nhau để bảo vệ an ninh toàn cầu

141014-kerry-lavrov-paris-02

 

Hình ảnh Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov bắt tay nhau tại Paris (Pháp) ngày 14-10-2014 lần này mang một tâm thế mới. Các nhà ngoại giao của cả hai cường quốc thế giới này đang hy vọng tìm ra một con đường để bắt đầu đảo chiều cho một năm dài căng thẳng đôi bên, chủ yếu xung quanh chuyện của Ukraine.

Điều đáng chú ý là giữa tình hình thế giới đang dầu sôi lửa bỏng với sự lộng hành của lực lượng Hồi giáo cực đoan Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria (ISIS), Mỹ và Nga ngày 14-10 đã cam kết nối lại sự hợp tác về các vấn đề an ninh toàn cầu, trong đó có việc chia sẻ các thông tin tình báo về lực lượng ISIS.

Sau cuộc gặp kéo dài hơn 3 giờ tại Paris giữa 2 ngoại trưởng Mỹ và Nga, Ngoại trưởng Kerry nói với báo giới rằng cả hai bên cần phải nhìn nhận họ có “những trách nhiệm lớn” với tư cách là những cường quốc thế giới, từ việc chống quân Hồi giáo cực đoan ở Trung Đông tới những chương trình hạt nhân của Triều Tiên và Iran. Ngoại trưởng Lavrov khẳng định việc chia sẻ thông tin tình báo sẽ bắt đầu và ông cũng nói một cách tích cực về việc cải thiện các mối quan hệ Nga – Mỹ. “Ông Kerry và tôi không phải đại diện cho 2 nước đang có chiến tranh với nhau”, Ngoại trưởng Nga nói như vậy. Ngoại trưởng Mỹ cho biết thêm là Nga sẽ cung cấp vũ khí và thiết bị để giúp tăng cường sức mạnh cho quân đội Iraq, trước mắt là để chống ISIS.

141014-kerry-lavrov-paris-01

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (bên trái) và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov gặp nhau tại Paris ngày 14-10-2014.

Cho dù Trung Quốc có là nước nhiều tiền bạc nhất và đông dân nhất thế giới, họ vẫn chưa đủ tầm để được cộng đồng quốc tế tin cậy và coi là một cường quốc. Dù muốn hay không, Nga và Mỹ vẫn là hai cường quốc đứng đầu thế giới ở thế đối trọng của nhau. Thế giới cần điều đó. Cũng chẳng ai ngây thơ chính trị tới mức mong muốn 2 cường quốc này luôn tâm đầu ý hợp, đồng tâm đồng sức với nhau. Chỉ mong họ nhận rõ các trọng trách của mình đối với cả hành tinh mà có cách xử sự với nhau có lợi cho tất cả.

141014-kerry-lavrov-paris-03

Ngoại trưởng John Kerry trong cuộc họp báo.

Rõ ràng không thể để cho cái vấn đề Ukraine làm ảnh hưởng tới trọng trách của Nga và Mỹ đối với các vấn đề cho cả toàn cầu. Ukraine hãy để cho người Ukraine tự quyết định, cộng đồng quốc tế chỉ can thiệp khi có điều gì trái với công pháp quốc tế và ảnh hưởng xấu tới quốc tế. Nói gì thì nói, Ukraine nằm kề bên Nga nên ảnh hưởng tới Nga nặng hơn, chứ Mỹ ở tít mù xa. Hãng tin Mỹ AP (15-10-2014) cho biết: Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có thiện chí chủ động ra lệnh rút khoảng 17.600 quân Nga đang đóng gần biên giới với Ukraine về các căn cứ của mình. Thật ra, ngay cách nhìn nhận vấn đề này cũng cần sòng phẳng hơn. Khi nước láng giềng Ukraine đang xảy ra nội chiến, Nga vẫn cần và có quyền triển khai quân để bảo vệ biên giới của mình. Cho tới nay, Nga vẫn bác bỏ các cáo buộc của Mỹ và châu Âu là quân Nga đã vượt biên giới vào Ukraine.

141014-kerry-lavrov-paris-04

Ngoại trưởng Mỹ tại Paris.

Giới bình luận quốc tế nói rằng thật ra công thức cho một giải pháp đột phá về cuộc khủng hoảng Ukraine rất đơn giản: phương Tây nới lỏng cấm vận với Nga để đổi lấy việc Nga chấm dứt làm bất ổn tình hình Ukraine. Chỉ có điều, tất cả các bên có thật lòng muốn kết thúc căng thẳng ngay không hay lại đang có những thuyết âm mưu gì đó vì lợi ích cục bộ. Ai muốn làm vậy cũng không sao, nhưng Nga và Mỹ là hai cường quốc thế giới không thể làm như vậy.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 17-10-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

+ Có thể đọc bản in trên báo CA.TPHCM ngày 16-10-2014.