Thứ Năm ngày 28 tháng 3 năm 2024

Năm nay là năm con gì?

 

Đối với người Việt, năm nay là năm con dê. Nhưng phải chăng nhất định gốc tích của nó từ văn hóa đúng là như thế? Vấn đề không đơn giản, bởi vì chính với Trung Quốc, nơi khởi nguồn bộ 12 con giáp, các học giả của họ cũng không nhất trí năm nay là năm con gì.

Sự hàm hồ khởi nguyên từ chữ “dương” . “Dương”, theo Hán văn, nghĩa là con dê, nhưng cũng có nghĩa là con cừu. Chính bên Trung Quốc, tết năm nay, có nơi treo hình con dê, có nơi treo hình con cừu. Rắc rối hơn nữa “dương” dịch qua Anh ngữ có thể là goat (dê), là sheep (cừu), và là ram (dê núi ). Chữ nghĩa có vẻ loạn xà ngầu, vì vậy có nơi ghi là “year of Goat”, có nơi viết là “year of Ram”, hay “year of Sheep”. Đối với người Tây phương cái gì cũng phải rõ ràng vì goat, ram, và sheep là ba con vật khác hẳn nhau. Vậy năm nay là năm con gì?

Xin dẫn chứng vài bộ stamp (tem bưu điện) mang tính cách quốc gia mới phát hành vào đầu năm nay’

Hồng Kông có tem con sơn dương (dê núi) với chú thích bằng Hoa ngữ: “Dương Niên” và bằng tiếng Anh “Year of Ram”.

tem-atmui-01

Hàn Quốc phát hành tem con cừu với chú thích “Year of the Sheep”.

tem-atmui-02

Quảng Châu và Philippines phát hành tem con dê với chú thích “Year of the Goat”.

tem-atmui-03 tem-atmui-04

Ai đúng ai sai? Vấn đề đành phải nhờ các học giả uyên thâm giải quyết. Có lẽ chúng ta nên bắt đầu với những ý kiến của các học giả Trung Quốc.

Theo Giáo sư Ho Che-Wah, Chinese University, chữ “dương” đã có từ trước đời nhà Hán, vết tích còn khắc trên xương thú (giáp cốt văn). Quan sát chữ “dương”, người ta thấy trên đầu nó có 2 cái sừng, mà chữ viết thời đó là chữ tượng hình, vậy “dương” chỉ có thể là con dê vườn hay dê núi mà thôi. Theo tôi lời giải thích này xem ra có lý nhưng trên thực tế nếu muốn nói về dê, Hán văn có chữ “sơn dương”   ; nói về cừu, Hán văn có chữ “miêu dương” 綿 . Chữ “dương” dứng một mình, tự nó không phân biệt “dê” hay “cừu”.

Chuyên gia Zhao Shu, tại Học viện Văn hóa và Lịch sử Bắc Kinh (Beijing Institute of Culture and History), nhìn vấn đề dưới khía cạnh triết học: âm-dương. Ông viết trên New York Times: “dương” là dê hay cừu đối với người Trung Quốc đều giống nhau. Nó chỉ là ý niệm chỉ sự hưng thịnh. Theo tôi lời giải thích này có vẻ biện thuyết quá chăng.

Học giả Fang Binggui ở Phúc Châu giải thích theo cảm tính dân gian. Ông cho rằng dương là cừu hay dê đều đúng. Nó là con gì tùy theo quan niện của dân chúng. Dân miền Nam Trung Quốc cho dương là cừu, trong khi dân miền Bắc cho dương là dê. Theo tôi, bạn có thể cho đây là lời giải thích ba phải, nhưng suy nghĩ kỹ nó chẳng phải vô căn cứ. Nó đúng với trường hợp của người Việt Nam.

Theo James Lap, giáo sư ngôn ngữ học tại Columbia University, “ Việt Nam khí hậu nóng, không thể nào có cừu (sheep) và dê núi (ram) nên chỉ có dê nuôi (goat) mà thôi.” Đúng như vậy, cánh đồng Việt Nam rất hiếm khi có cừu, cũng rất hiếm có dê núi, nhưng dê nuôi thì có đầy.

Đối với những vấn đề thuộc về nhân văn, chúng ta thường không thể có câu trả lời dứt khoát trắng đen rõ ràng. Nhất là khi những gì chúng ta nhìn thấy ở hiện tại chỉ là bóng dáng của huyền thoại. Một khi huyền thoại cô đọng thành biểu tượng văn hóa, nó là cảm tính của con người chứ không phải là một ý thức của logic. Bởi vậy kệ ai muốn nói gì thì nói, đối với dân Việt, năm nay là năm con dê. Dân nhậu gọi là năm “sư phụ”.

 

ĐỖ NGỌC TRANG

(Elk Grove, California, Tết Ất Mùi 2015)

—–

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.