Thứ Sáu ngày 29 tháng 3 năm 2024

Chiến tranh Việt Nam trong các từ điển bách khoa thế giới

vietnam-war-on-encyclopaedia

 

Tôi viết bài báo này cho số Đặc san 30-4 của báo CA TPHCM chủ yếu như một món quà chia tay với anh Trần Tử Văn, Phó Tổng biên tập. Đây là số báo cuối cùng do anh chủ biên (anh nghỉ hưu từ tháng 4-2015). Tôi viết cho báo CA TPHCM hơn 20 năm nay, có lẽ 24-25 năm. Đó cũng là thời gian tôi và anh Văn gắn bó với nhau. Tôi thì biết anh từ khi anh còn công tác ở dưới quận, chuyên viết bài kể chuyện trinh sát. Kể cả thời gian anh qua làm Phó Tổng của báo CAND, tôi cũng chàng hảng viết cho cả hai tờ báo. Cho dù chẳng bù khú với nhau, nhưng luôn mến và tôn trọng nhau, với bề dày thời gian đó, tôi có đủ database để nhìn nhận nhà văn – nhà báo Trần Tử Văn như một người có tâm và có tầm. Anh có tài, làm báo giỏi nghề, nhưng đồng thời cũng sống rất có tình với mọi người – đặc biệt là giới văn nghệ sĩ. Một phong cách như người đàn anh Huỳnh Bá Thành. Vậy mà rồi cũng phải chia tay nhau trên con đường làm báo. Anh thong dong về hưu, còn tôi vẫn tiếp tục sống trọn với cái nghiệp làm báo của mình, vừa là chuyện cơm áo gạo tiền, vừa là cái sứ mạng và nỗi đam mê. Tôi có cái may mắn vào đời bằng nghề báo (khi mới 19 tuổi), trải qua thời viết tay, sang gõ máy chữ, tới lướt trên bàn phím máy tính đến nay đã được 39 năm. Nhờ trời thương tình, bạn đọc ưu ái nên cái ngòi viết của tôi vẫn còn sung, chưa cần tới Viagra. Lại phải cảm tạ các bạn lần nữa hén!

150425-bao-catp-dacsạn-03_resize

 

Một đứa trẻ mới sinh vào năm 1975, nay đã 40 tuổi – cái tuổi trung niên “tứ thập nhi bất hoặc” (có thể hiểu thấu mọi sự đời trong thiên hạ). Còn những người có can dự vào cuộc Chiến tranh Việt Nam, tới nay “trẻ nhất” cũng ngấp nghé tuổi lục tuần, và trong số đó không ít người đã thành người thiên cổ. Nghĩa là, 40 năm sau 1975 đã là một độ lùi có thể để người ta nhìn nhận sự việc một cách bình tâm và khách quan hơn.

Cho dù ở phía nào, nhìn từ giác độ nào, 30-4-1975 vẫn là một cột mốc lịch sử đánh dấu việc kết thúc cuộc Chiến tranh Việt Nam dẫn tới việc thống nhất 2 miền Nam – Bắc bị chia cắt từ năm 1954 bởi Hiệp định Geneva thành một nước Việt Nam vào năm 1976. Và chúng ta cũng cần hiểu rõ một sự thật đau lòng là năm 1975 chỉ kết thúc cuộc Chiến tranh Việt Nam chứ không phải là chiến tranh đã hoàn toàn chấm dứt ở Việt Nam, khi đất nước vừa ra khỏi cuộc chiến huynh đệ tương tàn và hủy diệt này đã phải chịu đựng thêm những cuộc chiến xâm lược mới ở biên giới phía tây nam và phía bắc, cũng như ngoài Biển Đông.

Và cho dù tính toán ra sao, cuộc Chiến tranh Việt Nam vẫn là một trong những cuộc chiến khốc liệt nhất và đẫm máu nhất trong lịch sử đương đại của loài người. Theo số liệu của Từ điển bách khoa Encyclopaedia Britannica, cuộc Chiến tranh Việt Nam đã làm thiệt mạng 2 triệu người dân của hai phía (vào năm 1975, dân số 2 miền khoảng 47 triệu người). Số binh lính hai bên chết cũng hơn 1,3 triệu người. Ngoài ra, có thêm 57.939 lính Mỹ, khoảng 5.000 binh lính thuộc các nước đồng minh của Mỹ tham chiến. (Theo Từ điển bách khoa Wikipedia, cuộc Chiến tranh Triều Tiên diễn ra từ tháng 6-1950 tới tháng 7-1953 có hơn 1,2 triệu binh lính các bên chết.)

Tất nhiên, cuộc Chiến tranh Việt Nam là một mục từ lớn không thể thiếu trong nhiều từ điển bách khoa của thế giới. Các bài viết hay có liên quan trên Internet nhiều cơ man mà kể. Vào tháng 4-2015, tìm kiếm bằng Google Search, ta có được khoảng 51.900.000 kết quả (với từ khóa “Vietnam War”) và 898.000 kết quả (với từ khóa “Chiến tranh Việt Nam”). Trong 40 năm hậu chiến, nội dung của các bài viết đã được các tác giả nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung. Điều người ta phải chấp nhận là cách nhìn nhận vấn đề đa dạng, có khi chỏi nhau, tùy vào não trạng của người viết. Cái mà người ta cần nhất vẫn là sự chính xác của các số liệu. Và ngay cả cái sự chính xác này cũng chỉ ở mức tối đa có thể được. Với cùng một sự thật xảy ra, người ta vẫn có thể nhìn và hiểu theo đầu óc của mình nên có những độ vênh nhất định. Chỉ biết mong các nhà chép sử ghi lại đầy đủ và chính xác những gì đã xảy ra cho hậu thế tùy cơ mà ứng biến.

vietnam-war-google-apr2015-02 vietnam-war-google-apr2015-01

 

Từ điển bách khoa Encyclopaedia Britannica trên bản online đã dành tới 11 trang cho mục từ Chiến tranh Việt Nam – (Vietnam War) (http://www.britannica.com/EBchecked/topic/628478/Vietnam-War).

vietnam-war-encyclopaedia-britannica

 

Từ điển bách khoa toàn thư online phổ biến nhất thế giới Wikepedia dành cho mục từ Chiến tranh Việt Nam một số lượng chữ đồ sộ hơn 21.000 chữ trên 60 trang A4 với 416 ghi chú xuất xứ trích dẫn và vô số nguồn dữ liệu. Lấy mốc từ ngày 1-11-1955 tới 30-4-1975, Wikipedia tính toán rằng cuộc Chiến tranh Việt Nam đã kéo dài 19 năm 5 tháng 4 tuần và 1 ngày. (http://en.wikipedia.org/wiki/Vietnam_War)

vietnam-war-wikipedia

 

Website từ điển bách khoa Encyclopaedia đã dành hơn 10.000 chữ cho mục từ Chiến tranh Việt Nam. (http://www.encyclopedia.com/topic/Vietnam_War.aspx)

vietnam-war-encyclopaedia

 

Từ điển bách khoa nổi tiếng của Pháp Larousse dành hơn 1.400 chữ cho mục từ Chiến tranh Việt Nam, chia thành 4 phần, từ giai đoạn 1954-1964 tới giai đoạn 1973-1975, kết thúc với sự kiện 30-4-1975. (http://www.larousse.fr/encyclopedie/divers/guerre_du_Vi%C3%AAt_Nam/148881)

vietnam-war-larousse

 

Trong khi đó, website chuyên ngành lịch sử History Learning Site của Anh chia mục tù Chiến tranh Việt Nam thành 29 trang riêng, khởi đầu từ nguyên nhân xảy ra cho tới cuối cùng là sự kiện “thuyền nhân”. (http://www.historylearningsite.co.uk/vietnam_war.htm)

vietnam-war-history-learning-site

 

Trong mục từ Chiến tranh Việt Nam, website History Place làm một bản biên niên sử các sự kiện khởi từ ngày 1-1-1969 với việc Henry Cabot Lodge, cựu Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn được Tổng thống Richard Nixon bổ nhiệm làm nhà thương thảo cao cấp của Mỹ tại cuộc Hòa đàm Paris tới 11 giờ trưa ngày 30-4-1975 khi Tổng thống Dương Văn Minh của Việt Nam Cộng hòa tuyên bố đầu hàng vô điều kiện và cờ xanh đỏ ngôi sao vàng của Quân Giải phóng tung bay trên Dinh Độc lập. Các tác giả đóng mục từ này bằng câu: “The war is over” (cuộc chiến tranh kết thúc). (http://www.historyplace.com/unitedstates/vietnam/index-1969.html)

vietnam-war-history-place

 

Trang web giáo dục về lịch sử thế kỷ 20 History 1900s/About Education dành 2 trang cho Chiến tranh Việt Nam và kết thúc bằng sự kiện thống nhất đất nước ngày 2-7-1976.   (http://history1900s.about.com/od/vietnamwar/a/vietnamwar.htm)

vietnam-war-history1900s

 

Bây giờ, 40 năm sau khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam, ngồi trước máy tính hay với thiết bị di động, người trên khắp thế giới có thể tìm hiểu mọi điều lớn nhỏ về cuộc chiến tranh từng làm nóng các bản tin thời sự suốt trên dưới 2 thập niên. Hầu như mọi sự tốt xấu đều bị phô bày. Tất nhiên giữa ngồn ngộn chi tiết, dữ liệu, thật giả khôn lường, người ta cần phải có đủ nền tảng tri thức để có thể sàng lọc, đối chiếu. Dữ liệu để tham khảo thì vô thiên lủng. Chúng đặc biệt quý giá đối với lứa tuổi từ giữa 7X trở về sau này vốn chỉ nghe nói về cuộc Chiến tranh Việt Nam.

40 năm là một khoảng thời gian quá dư để mọi người có dòng máu Việt chảy trong huyết quản nhìn nhau đều là người Việt Nam có cùng quốc tổ Hùng Vương, để cùng chung sức, chung lòng phát triển và bảo vệ quê cha đất tổ. Còn nhớ hồi tháng 3-2005, nhân kỷ niệm 30 năm sự kiện 30-4-1975, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong cuộc phỏng vấn của tuần báo Quốc tế (Bộ Ngoại giao) đã nói về đặc thù của cuộc Chiến tranh Việt Nam rằng: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm nó thêm rỉ máu.”

Chiến thắng trong một cuộc chiến chỉ là niềm tự hào của dân tộc đó. Nhưng nó không phải là điều kiện tiên quyết để nâng và duy trì vị thế của dân tộc đó trên trường quốc tế. Thực tế là chẳng có một dân tộc nào mong muốn mình có được loại chiến thắng chiến tranh cả, đó là loại chiến thắng chẳng đặng đừng, bởi lẽ ai cũng hạnh phúc nếu dân tộc mình không phải gánh chịu chiến tranh. Chiến thắng cuộc chiến chỉ thật sự có giá trị nếu như sau khi tạo ra điều kiện, nó trở thành niềm khích lệ cho dân tộc tiếp tục giành được chiến thắng trong phát triển đất nước, đem lại hạnh phúc cho toàn dân.

Cuộc chiến tranh đúng hay sai, cần hay không là chuyện tranh luận của các nhà chuyên môn. Nhưng chân lý luôn thuộc về những người đấu tranh cho sự thống nhất giang sơn, đoàn tụ dân tộc, bảo vệ từng tấc đất do cha ông truyền lại. Và điều quan trọng nhất là tất cả mọi người, mọi thế hệ trước hay sau cột mốc lịch sử 1975 đều phải hiểu biết mà khiếp sợ chiến tranh, cố tránh tới mức tối đa không để xảy ra lần nữa với mình và các thế hệ nối tiếp, cũng như với láng giềng chung quanh.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 29-4-2015)