Thứ Năm ngày 25 tháng 4 năm 2024

Đức Hiển: đã là “Nhà Báo” lại còn “Điều Tra” thì chẳng phải dạng vừa…

150618-sach-nhabao-dieutra-duchien-01_resize

 

Trưa nay, bạn Thịnh, phóng viên của báo Pháp Luật TP.HCM, chạy xe tới nhà tôi nói rằng: anh Đức Hiển nhờ em tới gởi tặng anh cuốn sách mới ra của ảnh. Lời nói chưa dứt thì hàng đã được nhá ra và trao liền tay. Đó là cuốn Nhà Báo Điều Tra vừa được Nhà Xuất bản Trẻ (nơi có chàng giám đốc tóc dài dám giao việc cho cấp dưới và dám chịu hết trách nhiệm khi có sự cố để mà rong chơi ta bà thế giới – thiệt ra chàng đi chơi cũng là để có chuyện làm cho cả bầu đoàn thê tử đó thôi) phối hợp với Công ty Văn hóa Huy Hoàng phát hành nhân mùa cúng kị của nghề báo năm 2015.

Đức Hiển viết gì mà dày tới 183 trang vậy ta? Mà cái tên sách câu view dữ à nghen. “Nhà Báo” thôi đã chết ngắt mấy em chân dài việc ngắn rồi lại còn chung chạ với “Điều Tra” nữa thì dân giang hồ nào dám nhe nanh múa vuốt. Trong bài đầu tiên của mình, nằm ngay sau bài “PR” cho lính mình của anh Nam Đồng – nguyên Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, bạn Đức Hiển nhà ta ra tuyên ngôn rằng: “Tôi viết về BÁO CHÍ ĐIỀU TRA, từ những kỷ niệm, những bài học của mình và đồng nghiệp xung quanh, những khó khăn, chút ít thành công, và cả những thất bại mình đã từng trải qua hoặc chứng kiến. Vì thế, bạn sẽ không tìm thấy trong cuốn sách này những trào lưu báo chí, những quan điểm to tát. Chỉ là những câu chuyện nghề của một nhà báo khi thực hiện các bài điều tra.”

150618-sach-nhabao-dieutra-duchien-02_resize

 

Và rồi sau đó qua 28 bài, dài nhất là 13 trang, còn đa phần là bài ngăn ngắn, mà ngắn nhất chỉ có 3 trang (đó là tính luôn 1 trang ăn gian làm cái tựa bài), Đức Hiển rủ rỉ rù rì kể chuyện đời làm phóng viên điều tra của mình và của bạn bè được chọn lọc lại để lồng ghép vào đó chuyện nghề – bí quyềt và kinh nghiêm làm nhà báo. Vậy nên tất cả đều được lợi. Ai tò mò muốn “bổ sung kiến thức” về những vụ việc nổi đình đám trước đây và những chuyện phía sau của chúng sẽ được thỏa mãn, tất nhiên là với những mức độ khác nhau. Ai đang làm nghề báo thì có thể tích lũy thêm một số kinh nghiệm vàng ròng không sợ lửa. Ai đang rắp ranh bước vào nghề báo (như các bạn sinh viên báo chí mà thầy Đức Hiển bắt đầu “có dạy” từ năm 2004) sẽ hiểu hơn về con đường sắp tới của mình (nếu như sau khi tốt nghiệp không phải chuyển hệ sang làm PR, tiếp thị, quảng cáo như phần đông lâu nay). Xin mách nước với các bạn đang là học trò của “bố Hiển”, hãy mua một cuốn Nhà Báo Điều Tra rồi nhờ thầy ký tặng mình, nhớ nhắc ghi cả tên các bạn vào, để thầy nhớ mà ghi điểm về lâu về dài.

Để tôi kể bạn nghe chuyện này, đừng tưởng là nó lạc đề à nghen. Bữa Chủ nhật 24-5-2015, tôi đã được thưởng thức cùng một lúc hai món ăn lạ mà ngon do “đầu bếp” Đức Hiển chế biến, đó là bút ký văn học Mẹ Con Nhà Mắt Mèo (trên báo Tuổi Trẻ Cuối tuần) và bút ký Tiếng Hoẵng Tác (báo Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật). Đọc xong một lèo hai bút ký, không thể “kềm hãm cái sự sung sướng ấy lại” (xin lỗi bác nhân vật Chu Văn Quềnh của nghệ sĩ Hán Văn Tình), tôi bèn nhắn tin cho Đức Hiển:

– “Cuối tuần này tui rất sướng – sướng tới tận củ tỉ. Vì được đọc tới 2 cái bút ký rất tới của ông trên TTCT và PLCN. Chúng rõ là được viết bởi tác giả có tầm mà rất có tâm. Có lẽ cả đời viết báo, tôi vẫn khoái nhà báo viết văn hơn là nhà văn biết báo. Văn học hóa báo chí là hỗng nên. Báo chí hóa văn học càng tệ lậu. Chỉ có biết cách trộn hai món lại với nhau, nêm nếm vừa đủ ăn mới ăn tiền. Ông đã mần được điều đó. Lại đợi ông viết bút ký tiếp đây.”

– “Ui em cám ơn anh. Lần đầu em viết văn đó anh.”

– “Anh thích ở chỗ em xử lý ngôn từ và dẫn dắt mạch truyện. Rồi còn biết tiết chế được bút lực ở những nơi nhạy cảm. Tả xung hữu đột cứ như là mần xiếc với chữ nghĩa. Đặc biệt là cả hai cái kết của hai bút ký này đều trên cả tuyệt vời. Anh cảm ơn em đã bớt ún gụ và tăng hút thuốc để cho anh được đọc 2 bút ký này.”

Vậy đó, ai muốn suy diễn sao thì tôi được vậy.

Làm báo đã khó, mà là phóng viên điều tra còn khó hơn bội lần. Hơn ở bất cứ mảng nào khác, mảng điều tra cần nhà báo phải thật sự có cả tâm như Biển Đông lẫn có tầm như dãy Trường Sơn. Số phận những con người nằm trong những con chữ của mình. Ngay cả đối với những đối tượng phản diện, nhà báo cũng không thể tự cho mình làm thay phán quan, mà phải làm sao để đừng đẩy họ tới đường cùng, đừng triệt hết mọi ngả “quay đầu là bờ” của họ. Sự thiếu kiến thức về pháp luật và các chủ trương chính sách hiện hành của người viết báo điều tra nhẹ thì “tào lao bát xế”, nặng thì “hại người hại đời”. Ngoài ra cần phải có bản lĩnh. Nhà báo điều tra phải xuất phát với tâm tưởng không phải để làm hại ai hết mà chỉ muốn đào sâu sự thật tới tận gốc rễ của nó.

Nhà báo Việt Nam cũng giống như nhà báo phương Tây Âu Mỹ, cũng có những nỗi khổ nghề nghiệp chung. Không phải lúc nào họ cũng có thể thể hiện trên trang báo 100% sự thật đâu. Hơn thua nhau là ở cái tỷ lệ phần trăm sự thật có thể công bố.

Người Nga có câu thành ngữ: “Một nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật”. Tôi hiểu cái “một nửa sự thật” ở đây là để chỉ sự thật bị cố tình cắt xén, vo tròn bóp méo hòng phục vụ ý đồ của tác giả hay ai đó. Nhưng ở một góc hơi khác đi một chút, tôi thiển nghĩ: “một góc tư sự thật vẫn phải là sự thật”. Nếu như để ca ngợi những chân dài tới nách, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đã làm bộ phim Đẹp Từng Centimet, còn để nói về sự thật, tôi nghĩ rằng phải “thật từng nanomet”. Tất cả những gì thể hiện trong bài báo điều tra, bất kể tỷ lệ được phép công bố là bao nhiêu, đều phải là sự thật như nó từng xảy ra. Chưa nói hết không đồng nghĩa với gian dối. Cái này mới cần tới bản lĩnh của phóng viên và ban biên tập.

Đức Hiển về làm phóng viên của báo Pháp Luật TP.HCM từ năm 1997 sau khi vừa tốt nghiệp Đại học Luật. Lúc đó tôi đang cộng tác cho mảng quốc tế của báo này. Tôi chớ hề có ý thấy người sang bắt quàng làm họ đâu nghen (dù thiệt cũng muốn lắm). Nói như vầy để thấy rằng anh em tôi “dan díu” với nhau cũng chẳng phải dạng gần.

Mới lúc nãy, tôi thấy Đức Hiển viết trên nhà Facebook của mình chuyện một người em dân tộc Chăm đồng môn trường Luật bỏ học nửa chừng về quê lấy vợ và làm “thi sĩ chăn bò” nhưng cháy hết mình vì bà con dân tộc mình. Hiển viết: “Hôm qua nó đi tái khám, ghé thăm mình. Ký tặng nó cuốn sách, nó móc tiền ra trả: Anh ký tặng là em vui rồi, mình phải tôn trọng chữ nghĩa chớ anh.” Báo hại tôi phải viết ngay cái comment cho Đức Hiển: “Đọc xong cái stt này hình như anh nhận ra cái nội hàm của nó và thấy nhột nhột. Em có cần đổi giấy 5.000 đồng không? Khi nhận được 50.000 đồng của anh, em nhớ thồi lại 5.000 đồng nhé. Hỗng lẽ nhà báo nuôi heo (như anh) lại thua thi sĩ chăn bò sao ta?”

Dĩ nhiên đùa cho vui mà (cho dù thiệt lòng là cũng thấy áy náy). Cái chính là để gián tiếp báo giá cuốn Nhà Báo Điều Tra 45.000 đồng (giá bìa, nghe đâu mua ở nhà sách có chiết khấu cũng nằng nặng – khổ thân cái nghiệp viết).

Phần mình, tôi sẽ dành ngày chánh kị 21-6 này để đọc cuốn sách của Đức Hiển. Tất nhiên tôi không thể nào đọc một lèo được (bởi trên cái lưng tấm thớt của tôi có vô vàn sợi dây thần kinh nối với mấy cái mí mắt). Nhưng từ lúc này, cuốn Nhà Báo Điều Tra bắt đầu nằm ngay đầu giường của tôi. (Vái ông địa đừng ai nhìn thấy cảnh này lại suy diễn tôi tính làm “nhà báo điều tra”).

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 18-6-2015)