Thứ Sáu ngày 29 tháng 3 năm 2024

Ngày cờ rũ ở Mỹ

HOA KỲ DU KÝ: 

150911-maryland-city-001_resize

Hôm nay thứ Sáu 11-9-2015, nước Mỹ ngậm ngùi kỷ niệm 14 năm ngày xảy ra thảm kịch khủng bố quốc tế tấn công ngay trên nước Mỹ ngày 11-9-2001. Và không chỉ có Mỹ, hơn 90 nước trên khắp thế giới có công dân bị giết chết trong thảm kịch đó. Cũng từ cái ngày quốc tang đó, nước Mỹ có thêm một sự kiện và mốc thời gian trong lịch sử đến nay đã 239 năm của mình với những cách gọi: September 11, September 11th, hay 9/11.

Theo từ điển bách khoa trực tuyến Wikipedia, cuộc tấn công hàng loạt đó đã được các thanh viên của hệ thống khủng bố Hồi giáo quốc tế al-Qaeda của trùm khủng bố Osama Bin Laden chuẩn bị từ nhiều năm trước. Và sáng sớm 11-9-2001, 19 tên khủng bố đã chia nhau có mặt trên 4 chuyến bay hàng không Mỹ để sau đó cướp máy bay, biến những chiếc máy bay với hàng trăm hành khách trên đó thành những quả bom sống lao vào những mục tiêu tấn công.

Flight_paths_of_hijacked_planes-September_11_attacks

Nguồn ảnh: Internet. Thanks

– Chuyến bay Flight 11 của hãng American Airlines là một chiếc Boeing 767 xuất phát từ sân bay Logan (thành phố Boston, bang Massachusetts) lúc 7g59ph để bay đi Los Angeles (California) với 76 hành khách và đội bay 11 người (không tính 5 tên không tặc). Bọn khủng bố đã lái máy bay chứa 20.000 gallon xăng đâm vào khoảng tầng 80 của tháp North Tower cao 110 tầng của tòa Tháp Đôi Trung tâm Thương mại Thế giới WTO tại New York lúc 8g46ph.

– Chuyến bay Flight 175 của hãng United Airlines, một chiếc Boeing 767 khác, cũng cất cánh từ sân bay Logan lúc 8g14ph để bay đi Los Angeles với 51 hành khách và đội bay 9 người (không tính 5 tên không tặc). Nó bị bọn không tặc lái đâm gần tầng 60 của tháp South Tower của WTC lúc 9g03ph, nghĩa là chỉ 17ph sau cú tấn công của chuyến bay thứ nhất.

– Chuyến bay Flight 77 của hãng American Airlines, một chiếc Boeing 757, cất cánh từ sân bay Washington Dulles International Airport ở bang Virginia lúc 8g20ph để bay tới Los Angeles với 53 hành khách và đội bay 6 người (không tính 5 tên không tặc). Nó bị bọn không tặc cho đâm xuống trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ – tức Lầu Năm góc lúc 9g37ph.

– Chuyến bay Flight 93 của hãng United Airlines, một chiếc Boeing 757, cất cánh từ sân bay Newark International Airport lúc 8g42ph để bay đi San Francisco (bang California) với 33 hành khách và đội bay 7 người (không tính 4 tên khủng bố). Không biết nó được dùng để tấn công mục tiêu nào. Do những hành khách trên máy bay kiên cường chống trả lại bọn không tặc, máy bay bị rơi xuống đất gần Shanksville (bang Pennsylvania) lúc 10g03ph.

Thương vong thật khủng khiếp. Ngoài toàn bộ những người trên các chuyến bay, còn hàng ngàn người dưới đất, chủ yếu tại tòa Tháp Đôi WTC đã bị sụp đổ hoàn toàn thành gạch vụn. Tổng cộng có 2.996 người chết, trong đó có 19 tên khủng bố. Trong số 2977 nạn nhân, có 246 người trên 4 chuyến bay, 2.606 người trong tòa tháp WTC và khu vực chung quanh, 125 người ở Lầu Năm góc. Có 72 cảnh sát, 343 lính cứu hỏa và 55 quân nhân đã hy sinh trong nỗ lực cứu hộ sau khi xảy ra thảm họa. Ngoài ra, có hơn 6.000 người khác bị thương.

Khu vực WTC được gọi là Ground Zero. Vào năm 2006, người ta đã xây dựng lại WTC mới gọi là One World Trade Center (còn gọi là 1 World Trade Center, One WTC hay 1 WTC) và khánh thành ngày 3-11-2014. Tòa tháp cao 104 tầng với chiều cao tới ngọn ăngten phía trên nóc là 1.776 feet (541 mét) trở thành tòa tháp cao thứ 3 trên thế giới (sau khách sạn Burj Khalifa ở Dubai và khách sạn Makkah Clock Royal Tower ở Mecca, Arabia Saudi). Đài tưởng niệm tại vị trí WTC cũ đã được khánh thành hồi năm 2011 và viện bảo tàng ngầm mở cửa từ tháng 5-2014. Theo tính toán, hai địa điểm này cần tới 60 triệu USD mỗi năm để hoạt động. Sáng 11-9-2015, Ủy ban Nguồn lực Tự nhiên của Hạ nghị viện Mỹ đã có phiên điều trần về dự án luật theo đó Liên bang sẽ dùng ngân sách chi 25 triệu USD/năm cho hoạt động của đài tưởng niệm – nơi cho tới nay mọi người được vào viếng miễn phí. Còn viện bảo tàng thu tiền vé 24 USD/người, tới nay đã có khoảng 3,6 triệu người vào thăm.

September_11_memorial

Khu đài tưởng niệm tại Ground Zero. Vị trí hai chân móng của hai tòa tháp giờ được xây dựng thành 2 hồ nước với tên của các nạn nhân được khắc trên các bức tường bằng đồng. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks)

September_11_memorial-2

Tổng thống Barack Obama, Đệ nhất phu nhân Michelle và các thành viên Nhà Trắng đã tổ chức nghi thức mặc niệm trên sân cỏ South Lawn sang 11-9-2015. Nghi thức này bắt đầu lúc 8g46ph – thời điểm chuyến bay đầu tiên đâm vào WTC năm 2001. Sau đó, Tổng thống Obama đã gửi trên mạng xã hội Twitter tin nhắn: “14 năm sau các cuộc tấn công khủng bố 11-9, chúng ta vinh danh những người mà mình đã mất đi. Chúng ta chào mừng tất cả những người đã phục vụ để giữ cho chúng ta an toàn. Chúng ta đứng vững mạnh mẽ hơn bao giờ hết.”

150911-maryland-city-002b_resize

Ngày hôm nay, nước Mỹ treo cờ rũ giống như các lần tưởng niệm trước đây. Tôi có một kỷ niệm ghi dấu về sự kiện này. Năm 2010, lần đầu tiên tôi đến Mỹ đúng ngay ngày 11-9. Nói chung là cũng hơi lạnh toàn diện khi bay vào Mỹ bằng máy bay Mỹ United ngay ngày nhạy cảm đó. Chiều hôm đó, tôi đã đến thăm cầu Golden Gate khi chung quanh toàn là cờ rũ.

Vậy là đã 14 năm sau ngày thảm kịch 11-9-2001 và 5 năm sau ngày tôi đến Mỹ lần đầu. Và điều làm tôi nặng lòng là bọn khủng bố quốc tế và khu vực đang ngày càng lộng hành hơn. Thế giới – đặc biệt là các cường quốc – vẫn chưa có được sự đồng tâm hợp lực trong cuộc chiến chống khủng bố. Nguyên nhân trớ trêu là do có những nước đặt những quyền lợi cá nhân của nước mình – hay chính xác là của nhà cầm quyền nước đó – lên trên sự an toàn của loài người. Có lẽ vì thế mà gần 3.000 linh hồn nạn nhân của vụ tân công khủng bố 11-9 vẫn chưa thể an lòng.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(East Coast Hoa Kỳ 11-9-2015)