Thứ Năm ngày 18 tháng 4 năm 2024

Chúc mừng các bạn thầy thuốc đáng yêu, đáng quý

happy-national-doctors-day

 

Bất luận khách sáo hay chân tình, hôm nay, 27-2, là ngày được dành riêng để cả nước Việt Nam tôn vinh các thầy thuốc ở nước mình. Và từ đáy lòng mình, tôi xin gửi tới các bạn làm việc trong ngành y khoa (bao gồm cả dược khoa) lời chúc mừng và lòng biết ơn. Chúc các bạn luôn khỏe mạnh thể xác và tinh thần, tâm trí luôn sáng suốt, tay nghề ngày càng thượng thừa công phu, nhiều thành công, may mắn và hạnh phúc.

Nguồn gốc ngày Thầy thuốc Việt Nam xuất phát từ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, từ sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư cho hội nghị cán bộ ngành y tế ngày 27-2-1955. Sau đó, giống như nhiều ngành nghề khác, Bộ Y tế đã lấy ngày này làm ngày truyền thống của ngành y. Vào năm 1985, Hội đồng Bộ trưởng (Chính phủ) của nước CHXHCN Việt Nam quyết định chọn ngày 27-2 hàng năm là ngày Thầy thuốc Việt Nam.

Không phải chỉ có Việt Nam mới có ngày tôn vinh các thầy thuốc. Ngày Thầy thuốc Quốc gia (National Doctors’ Day) của Mỹ vào ngày 30-3. Ngày này xuất phát từ năm 1933 và được tổ chức như một ngày truyền thống của ngành y. Ngày 30-10-1990, Tổng thống Mỹ George Bush đã ký ban hành Luật 101-473 từ dự thảo S.J. RES. #366 đã được Hạ nghị viện và Thượng nghị viện thông qua để nâng ngày Thầy thuốc 30-3 lên thành một ngày lễ quốc gia (national holiday). Ngày tôn vinh thầy thuốc được tổ chức ở Ấn Độ ngày 1-7, Nga ngày 20-6, Cuba ngày 3-12,Thổ Nhĩ Kỳ ngày 14-3, Iran ngày 23-8,…

Trên quy mô quốc tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có ngày Bác sĩ Gia đình Thế giới (World Family Doctor Day) vào ngày 19-5, ngày Sức khỏe Thế giới (World Health Day) 7-4,…

Trong Quyết định số 39-HĐBT ngày 6-2-1985 do Phó Chủ tịch HĐBT Tố Hữu ký, đối tượng của ngày Thầy thuốc Việt Nam là các cán bộ y tế của toàn ngành y tế. Ở Mỹ, người ta giải thích ngày Thầy thuốc là để tôn vinh các “physician” vốn được dùng để gọi bác sĩ, nhưng cũng có nghĩa là những người chuyên nghiệp làm việc trong ngày y.  

Sở dĩ phải “nhỏ mọn” mà nói vậy vì lâu nay không ít người coi ngày Thầy thuốc là ngày của các bác sĩ. Thật sự, đây là và phải là ngày để tôn vinh tất cả những người làm việc trong ngành y dược, vì mỗi người – ở các vị trí khác nhau – đều là một bộ phận hợp thành của cỗ máy cứu nhân độ thế. Hơn ai hết, các bác sĩ đều hiểu rằng họ chỉ là bộ phận chính trong cỗ máy phức tạp đó, mà chỉ mình ên họ thì cũng “bó tay”.

Nghề y dược suy cho cùng cũng là một trong những nghề nghiệp mưu sinh. Chỉ khác ở chỗ trong cái nghề mang tính đặc thù này, người ta mưu sinh bằng công việc cứu người. Vì thế, nghề y dược còn được khoác lên một chiếc áo bluose thiên chức rực rỡ hào quang mà nặng nề trách nhiệm. Tôi từng đọc ở đâu đó lời một vị giáo sư dạy y khoa nói với các sinh viên y khoa rằng nếu chỉ muốn kiếm tiền thì đừng có chọn ngành y. (Thực tế là bác sĩ giỏi hay có vị thế bây giờ không phải chỉ kiếm được nhiều tiền, mà là rất nhiều tiền. Chẳng sao cả, thực tiễn cuộc sống thôi, chỉ biết hy vọng họ kiếm tiền bằng nghề nghiệp một cách chân chính.)

Trong cái công việc khắc nghiệt ngập tràn thử thách và khó khăn muôn bề, người thầy thuốc phải chiến đấu cật lực với bệnh tật và tai nạn để cứu sống những sinh mạng con người. Họ là khắc tinh, là kẻ thù không đội trời chung của Thần chết, họ dùng chữ thập đỏ (giống như các giáo sĩ dùng cây Thánh giá) để đấu với chiếc lưỡi hái của Tử thần. Vì thế, người thầy thuốc bên cạnh cái tài (chuyên môn cao), còn cần phải có cái tâm (tấm lòng yêu tha nhân) và tình yêu nghề. Cụ thể là thầy thuốc có tài giỏi cỡ Hoa Đà Tái thế hay Hải Thượng Lãn Ông Tái sinh mà không có tấm lòng yêu người bệnh như người thân của mình thì cũng chỉ là…. những “Robot chữa bệnh”, quả là “phí của Giời”!

Trên số báo ngày 27-2-2016, báo Tuổi Trẻ đã chào mừng ngày Thầy thuốc Việt Nam không phải với rừng hoa và những lời chúc tụng mà là với dòng tít vedette lớn chạy ngang trang nhất: “Cứu người trước, viện phí tính sau”. Cách nào đó thiệt là xót xa, đắng lòng. Nhưng đó lại là một thực trạng bấy lâu nay làm nặng nề cả ngành y tế lẫn các người bệnh ở Việt Nam. Sẽ hạnh phúc biết bao nếu như đó là câu thiệu, lời quyết của các thầy thuốc tự hứa với lòng và cam kết với người đời. Và sẽ buồn không nhẹ nếu đó là lời kiến nghị từ xã hội. Với phương châm phải biết hy vọng mới có thể sống tiếp được, tôi tràn đầy hy vọng nó nằm ở tùy chọn đầu tiên.

Ngày Thầy thuốc Việt Nam, cũng giống như các ngày nghề nghiệp khác, là một sự kiện 2 chiều. Nó là dịp để xã hội tập trung thể hiện lòng biết ơn đối với các thầy thuốc cứu nhân độ thế. Nhưng đồng thời nó cũng là dịp để các thầy thuốc tự kiểm điểm lại mình, tự cật vấn mình xem trong thời gian qua mình đã làm được gì cho cuộc đời trong cái thiên chức cứu nhân độ thế mà mình chọn lựa và lãnh nhận.

Thầy thuốc, cho dù là viện sĩ, cũng chỉ là con người. Có người tốt, có kẻ không tốt lắm. May mắn cho nhân loại là số thầy thuốc chân chính luôn là số đông áp đảo, nếu không ở nước này thì cũng ở nước khác và trên bình diện thế giới.

Vậy thì các thầy thuốc có tâm tư nỗi niềm gì trong ngày của nghề mình? Tôi xin phép tổng hợp nhé:

– Thầy thuốc không cần được tôn vinh (nếu có thì cũng dại chi mà từ chối), mà cần được tôn trọng.

– Thầy thuốc cần có cuộc sống ổn định để tập trung tâm sức cho công việc chuyên môn của mình. Với các bác sĩ thì đa phần dễ có điều kiện có thu nhập tốt. Nhưng số đông áp đảo trong ngành y là những người không phải bác sĩ, y sĩ phần lớn vẫn phải bươn chải và xoay xở cho cuộc sống gia đình, nhất là bất an về tương lai. Cái vụ này trách nhiệm ở phía quản lý thầy thuốc, cao nhất là nhà nước.

– Thầy thuốc cần được thấu hiểu và cảm thông, chí ít cũng là một sự hiểu biết, công tâm và sòng phẳng từ xã hội. Bởi nghề nào mà không có rủi ro, bất trắc ngoài ý muốn. Trong cuộc đời hành nghề của mình, làm sao thầy thuốc tránh khỏi những tình huống sức người có hạn, lực bất tòng tâm, kể cả giới hạn của y học, cho dù mình đã nỗ lực hết sức có thể được mà vẫn không thể cứu được người bệnh. Những lúc như thế, thầy thuốc sẽ cảm thấy chán nản vì bất lực, cô đơn và có khi hoảng sợ nếu như không có được sự hiểu biết và cảm thông từ gia đình người bệnh và xã hội.

Tôi cũng mới vừa đọc được nhà thần kinh học người Áo Sigmund Freud (1856-1939), cha đẻ của ngành Phân tâm học (psychoanalysis) nói rằng: cái tâm của người thầy thuốc phải luôn trong sáng, hết mình vì bệnh nhân, như một tấm gương phản chiếu sức khỏe của người bệnh.

Lời thề Hippocrate (Hippocratic Oath) mà hầu hết các thầy thuốc thế giới đều phải tuyên thệ trước khi ra trường hành nghề có ghi rõ:

– Tôi sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh tùy theo khả năng và sự phán đoán của tôi, tôi sẽ tránh mọi điều xấu và bất công.

– Tôi suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết.

– Dù vào bất cứ nhà nào, tôi cũng chỉ vì lợi ích của người bệnh

Cuối lời thề tổ nghiệp, người thầy thuốc sắp nhập thế để cứu nhân độ thế xác quyết:  “Nếu tôi làm trọn lời thề này và không có gì vi phạm, tôi sẽ được hưởng một cuộc sống sung sướng và sẽ được hành nghề trong sự quý trọng mãi mãi của mọi người. Nếu tôi vi phạm lời thề này hay tôi tự phản bội, thì tôi sẽ phải chịu một số phận khổ sở ngược lại.”

Cho dù là lời thề Hippocrate cổ xưa hay các lời tuyên thệ hiện đại tùy theo quốc gia, những người thầy thuốc vẫn phải thực hiện trọng trách nghề nghiệp với tâm thế của người mang sứ mạng cứu nhân độ thế.

“Cứu người trước, viện phí tính sau”. À há! Hứa rồi nhé!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

Cứu người trước viện phí tính sau!

Mình cũng định viết những lời tri ân với các anh chị đang làm việc trong ngành y nhân ngày đặc biệt này! Nhưng đọc bài viết của anh PHP thấy hay quá nên xin phép được share về. Chỉ muốn kể thêm câu chuyện của mình khi được chữa bệnh bên Mỹ, mới thấm thía như thế nào là cứu người trước viện phí tính sau. Nếu ko có điều đó chắc giờ mình đã ra đi…
Hai lần đến Mỹ, không may lần nào mình cũng bị ốm và phải đi cấp cứu . Trên đường đến bv mình sợ lắm, ko có bảo hiểm, tiền cũng ko thì phải làm sao? Gánh nặng trút lên người thân thì mình còn khổ tâm hơn . Vào đến bệnh viện, ko cần biết mình là ai, từ đâu đến, mọi thủ tục tính sau…tất cả các xét nghiệm được tiến hành, và ngay lập tức là chuyện phải hồi sức cho mình! Khi tỉnh lại biết mình là người Việt Nam, một y tá và điều dưỡng người Việt được điều đến để giúp mình trả lời các câu hỏi của bác sĩ. Không cần có thân nhân, chạy theo lăn xăn với các y tá hay bs để thuận tay thì gửi gắm . Sau khi khám và giải thích mọi chuyện về tình hình bệnh của mình, bs hỏi bà có cần gì hỏi thêm ko? Mình hỏi bs chi phí điều trị ntn? Nếu tôi ko đủ khả năng chi trả thì phải làm sao? Bà bs nhìn mình cười thân thiện đáp Bà ko phải lo, sẽ có cách.
Sau đó khi tôi đã bình phục, thì cô y tá mang máy tính đến tận giường bệnh hỏi thông tin để làm thủ tục, tôi ký vào tờ giấy mà trong lòng lo sợ lắm…sau đó thì có ông mục sư ở nhà thờ đến giúp tôi làm thủ tục ra viện. Có thể vị mục sư đáng kính đó đã giúp tôi trang trãi viện phí, hay bv có những chương trình đặc biệt liên kết với nhà thờ để hỗ trợ cho những trường hợp đặc biệt, sau đó tôi phải quay về Vn chưa có dịp tìm hiểu kỹ… Trong lòng tôi luôn biết ơn vị mục sư và các bs Mỹ mà biết rằng ko có cơ hội đền đáp…Cũng như anh PHP, tôi mong ước ngành y của Vn mình cũng tìm mọi cách để cứu người trước, viện phí tính sau!

MAI DANG