Thứ Sáu ngày 26 tháng 4 năm 2024

Chúc mừng các bạn tôi nhân Ngày Độc lập Hoa Kỳ July Fourth

 

 

Hôm nay 4-7-2016, các bạn Mỹ và các bạn Việt của tôi sinh sống ở Mỹ mừng ngày Quốc khánh Hoa Kỳ, cũng là Ngày Độc lập của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Nhiều người ở Mỹ quen gọi đơn giản mà thân thương đây là “Ngày July Fourth”.

Nhân ngày đặc biệt này, tôi xin được chung vui với các bạn công dân Hoa Kỳ và chưa phải là công dân Hoa Kỳ nhưng đang có thẻ xanh (green card, Permanent Resident Card, thẻ thường trú nhân). Tất nhiên là có cái nghi thức nâng ly rượu vang đỏ chiến thắng lên chúc mừng các bạn. Cheers!

July Fourth là một ngày lễ liên bang (federal holiday) và là ngày lễ nghỉ quan trọng nhất của người Mỹ. Đây là ngày kỷ niệm ngày Quốc hội Lục địa (Continental Congress, gồm đại diện 13 lãnh thổ thuộc địa Anh ở châu Mỹ mà sau này là 13 tiểu bang tiên khởi sáng lập Hoa Kỳ) thông qua bản Tuyên ngôn Đôc lập (Declaration of Independence) ngày 4-7-1776. Văn kiện này tuyên bố rằng 13 thuộc địa ở Mỹ tự công nhận mình thuộc về một nhà nước mới, có tên là Hợp chúng quốc Hoa Kỳ (United States of America) không còn là lãnh thổ thuộc Đế chế Anh.

Từ 13 bang đầu tiên (mà nay được tượng trưng bằng 13 đường vạch đỏ trắng trên quốc kỳ), lãnh thổ Hoa Kỳ được mở rộng dần cho tới tận ngày 21-8-1959 khi quần đảo Hawaii trở thành bang thứ 50, chỉ 7 tháng sau khi Alaska trở thành bang thứ 49 vào ngày 3-1-1959. Như vậy, hiện nay, sau 240 năm lập quốc, Hoa Kỳ gồm 50 tiểu bang và 1 thủ đô Washington DC. Trong 50 bang có 48 bang lục địa nằm kề bên nhau (contiguous states) và 2 bang tách biệt là Alaska (nằm ở chóp cực tây bắc lục địa Bắc Mỹ thuộc vùng Bắc Cực) và Hawaii (quần đảo giữa Thái Bình Dương). Với tổng diện tích 9.833.517 km vuông (lớn gấp gần 30 lần Việt Nam) là quốc gia lớn thứ 3 thế giới (lớn thứ 4 nếu tính về diện tích đất liền 9.147.593 km vuông) và có 323.625.762 dân (số liệu ước tính năm 2016), đông dân thứ 3 thế giới (nhiều gấp 3,4 lần Việt Nam). Với tổng GDP danh định ước tính năm 2016 là 18.558 tỷ USD, Hoa Kỳ vẫn là nền kinh tế số 1 thế giới. GDP danh định bình quân đầu người năm 2016 ước đạt 57.220 USD (cao thứ 6 thế giới).

Theo tài liệu ghi nhận được, vào năm 1791, ngày July Fourth đã được gọi là Ngày Độc lập (Independence Day). Đây cũng chính là Ngày Quốc khánh (National Day) Hoa Kỳ. Và mãi tận năm 1938, Quốc hội Hoa Kỳ mới chính thức công nhận July Fourth là ngày lễ nghỉ có ăn lương (paid federal holiday).

Quốc kỳ Hoa Kỳ gồm 50 ngôi sao (tượng trưng cho 50 tiểu bang) và 13 đường vạch ngang đỏ trắng (tượng trưng cho 13 tiểu bang sáng lập).

Trước nay người ta vẫn lẫn lộn giữa tên gọi đầy đủ “Hợp chủng quốc Hoa Kỳ” và “Hợp chúng quốc Hoa Kỳ”. Tên nào đúng vậy ta? Ý của “hợp chủng” là Hoa Kỳ bao gồm nhiều chủng tộc hợp lại. Còn ý của “hợp chúng” là gồm nhiều nước (tiểu bang) hợp lại. Vì thế, tên gọi chính xác là “Hợp chúng quốc Hoa Kỳ”. Nó dịch ra tiếng Hán Việt sát nghĩa với từ tiếng Anh United States of America. Các giấy tờ chính thức của Hoa Kỳ khi dịch ra tiếng Việt (như tên Đại sứ quán hay Tổng lãnh sự quán) đều là “Hợp chúng quốc Hoa Kỳ”.

Hoa Kỳ tuy cách Việt Nam nửa vòng Trái đất, hai nước nằm trên hai bờ Thái Bình Dương, nhưng lại là nước có mối liên hệ thực tế với Việt Nam chặt chẽ nhất và thực chất trên thế giới. Trong tổng số hơn 4,5 triệu người Việt đang sinh sống ở 109 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, có khoảng một nửa sống ở Mỹ. Như vậy, Hoa Kỳ mà nước hải ngoại có đông người Việt sinh sống nhất. Khoảng 2,2 triệu người Việt đang sinh sống ở Mỹ có mối quan hệ gia đình với nhiều triệu người Việt đang sinh sống ở quê nhà. Chưa cần phải mở rộng chi cho nó dễ bị quy chụp vào vòng nhạy cảm, chỉ nội những mối quan hệ huyết thống này mà đất nước Hoa Kỳ luôn sống trong tâm trí nhiều triệu người Việt. Chẳng chính trị chính em chi ráo, bởi đơn giản Hoa Kỳ là nơi những người bà con thân thích của mình đang sống. Saigon cách San Francisco trên 2 bờ Thái Bình Dương theo đường chim bay 12. 578km. Nếu đáp máy bay có quá cảnh đâu đó thì mất khoảng 1 ngày là ta lại gặp mình, chỉ lâu bằng gần gấp 3 lần đi xe đò từ Saigon về Cà Mau. Nhưng với Internet và các công nghệ viễn thông ngày nay, khoảng cách không gian và thời gian đã bị xóa mờ. Kẻ ở Chợ Lớn, người ở Washington DC thực tế chỉ sống (dù là ảo) cách nhau bằng thời gian tín hiệu lao vèo vèo qua lại. Cứ coi như sống chung thời gian thực. Bên này hú, bên kia ời, còn như sống bên nhau qua video call mắt thấy, tai nghe, lòng bên lòng (chỉ thiếu cái khoản tay sờ chạm thôi).

Người dân mỗi quốc gia có ít nhất 1 lá quốc kỳ của mình mà nếu không tự con tim thì cũng theo luật định họ phải luôn tôn trọng lá cờ của nước mình. Nhưng không ai phủ nhận được quốc kỳ Hoa Kỳ là lá quốc kỳ mạnh nhất thế giới. Nhiều người trên thế giới cũng coi quốc kỳ Hoa Kỳ là lá cờ nước đẹp nhất. Ừ, mà cờ Mỹ có nghĩa là “cờ đẹp” đó thôi.

Đối với tôi, cho tới nay có lẽ có 4 hình ảnh cờ Hoa Kỳ ghi nhớ nhiều nhất trong tâm khảm mình.

Trong lần đầu tiên đến Mỹ tháng 9-2010, đang lang thang trên đường phố San Francisco, tôi thấy phía trước có một tòa nhà treo quá chừng cờ Mỹ. Khi tới gần mới biết đó là cửa hàng thời trang nổi tiếng Old Navy với kiểu thức trang trí đặc trưng ở bất cứ nơi nào là treo nhiều cờ Mỹ phía trước các cửa hàng.

100911-20-phphuoc-america-intel-014_resize

Tháng 9-2012, khi vào “ngó” trong một siêu thị Safeway ở khu Bowie (Maryland), tôi được đẩy một chiếc xe đựng hàng (trolley) có gắn một lá cờ Mỹ.

120904-phphuoc-intel-idf-usa-26_resize

Cũng trong tháng 9-2012, trong một chuyến đi thủ đô Washington DC, tôi đã có những cảm xúc khó tả khi nhìn thấy hình ảnh 50 cây cờ Mỹ (tượng trưng cho 50 tiểu bang) được dựng chung quanh chân ngọn tháp bút chọc trời Washington Monument.

120908-phphuoc-intel-idf-usa-062_resize

Và vào tháng 5-2013, khi đến thành phố Boston (bang Massachusetts) đúng ngày Lễ Tưởng niệm (Memorial Day), tôi đã bị choáng ngợp trước một rừng cờ Mỹ được cắm dày đặc trên một khu vực công viên cỏ xanh rộng lớn để tưởng nhớ những người con đã hy sinh cho Tổ quốc Hoa Kỳ. Có tất cả 33.000 lá cờ được cắm tượng trưng cho số người lính quê bang Massachusetts hy sinh từ cuộc Nội chiến cho tới nay.

130527-phphuoc-massachusetts-boston-068_resize_resize

Hôm nay, ngày July Fourth 2016, tôi xin dùng những hình ảnh này để thay thế cho thiệp mừng gửi tới các bạn mình ở Mỹ. Ý nghĩa cửa chúng còn hơn những tấm thiệp mừng nữa à nghen.

Happy 4th of July!

PHẠM HỒNG PHƯỚC