Thứ Tư ngày 24 tháng 4 năm 2024

Nước Mỹ có còn kỳ thị chủng tộc?

dallas-police-killed

Tưởng niệm những cảnh sát hy sinh tại Dallas.(Ảnh: Getty/Internet. Thanks)

 

Có tới 14 cảnh sát Mỹ bị bắn ở các bang Texas, Tennessee, Missouri và Georgia (Mỹ) chỉ trong vòng 24 giờ. Gây chấn động nhất là vụ 11 cảnh sát bị những tay súng bắn tỉa bắn trúng trong khi họ đang bảo vệ một đám đông người dân biểu tình phản đối cảnh sát bắn người da đen tại thành phố Dallas (bang Texas) ngày 7-7-2016. Trong số này có 5 cảnh sát đã chết, đây là số lượng nhân viên công lực bị giết chết nhiều nhất trong một ngày kể từ sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 tại New York.

Các vụ tấn công này tiếp tục bổ sung vào một loạt những vụ tấn công bạo lực trên khắp nước Mỹ trong thời gian gần đây. Chúng cũng sẽ thúc đẩy chính quyền Mỹ nỗ lực hơn nữa trong việc tìm cách kiểm soát tình trạng bán và sở hữu súng đạn hiện nay, đặc biệt là các loại vũ khí sát thương mạnh. Và các vụ tấn công mới này một lần nữa cho thấy thái độ chống đối chính quyền vẫn là một vấn nạn trong xã hội Mỹ đương đại.

Nhưng nhức nhối nhất vẫn là cái yếu tố kỳ thị màu da vốn là ngòi lửa cho làn sóng bạo lực chống chính quyền mà lần này là sự báo thù nhằm vào những cảnh sát da trắng. Những phần tử quá khích da đen đã “ra tay thay thần Công lý” sau hàng loạt vụ cảnh sát da trắng bắn chết những người da đen. Cuộc biểu tình gây ra tai ương tại Dallas đã diễn ra sau vụ hai người Mỹ gốc Phi bị cảnh sát bắn chết trong 2 ngày trước đó. Alton Sterling, một người cha 37 tuổi có 5 đứa con, đã bị một viên cảnh sát bắn chết bên ngoài một cửa hàng tiện lợi tại thành phố Baton Rouge (bang Louisiana) vào sáng sớm 5-7. Đến tối 6-7, anh Philando Castile đã bị một cảnh sát bắn chết tại thành phố St. Paul (bang Minnesota) trong khi vẫn đang ngồi trong xe của mình vừa bị cảnh sát chặn lại.

Vụ cảnh sát bị bắn tỉa tại Dallas đã buộc Tổng thống Barack Obama phải rút ngắn chuyến công du châu Âu để về nước. Trước các số liệu thống kế cho thấy người da đen ở Mỹ có nhiều khả năng bị cảnh sát bắt và bắn hơn những người khác, vị tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử 240 năm lập quốc của Hoa Kỳ đã phải thừa nhận đó là biểu hiện của sự “bất bình đẳng chủng tộc tồn tại trong hệ thống tư pháp Mỹ”.

160708-dallas-police-chief-david-brown

Thành phố Dallas, nơi vừa xảy ra vụ bắn tỉa 11 cảnh sát, có cảnh sát trưởng thành phố là ông David Brown, một người gốc Phi. (Ảnh: Internet)

Chẳng ai còn phải tranh luận liệu chủ nghĩa phân biệt chủng tộc hiện nay có tồn tại trong xã hội Mỹ không. Có cần hỏi chăng là mức độ của nó ra sao. Định kiến kỳ thị chủng tộc và màu da ở Mỹ vốn là một một vấn đề lớn kéo dài từ thời thuộc địa Anh và thời kỳ nô lệ. Mặc dù đã tuyên bố độc lập vào năm 1776, mãi tới đầu năm 1863, Mỹ mới có được bản Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ (Emancipation Proclamation) do Tổng thống Abraham Lincoln, một người ủng hộ việc này, ký ban hành. Nhưng cũng phải tới khi Quốc hội thông qua Tu chính án số 13 để bổ sung Hiến pháp vào cuối năm 1865, chế độ nô lệ mới chính thức được bãi bỏ về lý thuyết ở Mỹ. Khoảng 4 triệu người nô lệ da đen đã được tự do vào năm 1865, trong đó có tới 95% sống ở các bang miền Nam.

Những người Việt định cư ở Mỹ là những người thấu hiểu hơn ai hết về cái định kiến kỳ thị da màu trong xã hội Mỹ. Người Mỹ da trắng vẫn được coi là “cao cấp” nhất. Thấp nhất là da đen, kế đó là da vàng châu Á và người gốc Mexico, bây giờ người Arập Hồi Giáo. Tuy không còn lộng hành như ở thế hệ thứ nhất ra đời vào năm có Tu chính án số 13 năm 1865, phong trào phân biệt chủng tộc KKK (Ku Klux Klan) khét tiếng vẫn còn tồn tại, hiện là thế hệ thứ 3 (từ 1946, tức sau Chiến tranh Thế giới thứ hai tới nay). Khi ông Obama vào Nhà Trắng, lực lượng an ninh bảo vệ tổng thống phải làm việc nặng nề hơn do phải đối phó với những phần tử cực hữu da trắng vốn đã tuyên án tử hình vị tổng thống không phải da trắng đầu tiên này.

Sở dĩ nước Mỹ chưa bị rơi vào khủng hoảng kỳ thị chủng tộc nguyên nhân chính là nó được điều hành bởi một nhà nước pháp quyền với định chế xã hội tự do – dân chủ có các luật định chi li, chặt chẽ, rõ ràng. Xã hội đa chủng tộc và đa văn hóa như Mỹ sẽ rối bung nếu như những người thực thi công vụ có thể diễn giải các luật định theo ý chủ quan của mình.

Cũng còn may cho nước Mỹ khi hầu hết người da màu luôn phản đối những hành động bạo hành và trả thù đẫm máu mà một thiểu số cực đoan, quá khích trong các cộng đồng của mình thực hiện.

Và phân biệt màu da vẫn sẽ tiếp tục là một vấn nạn của nước Mỹ, ít nhất là trong đầu óc của không ít người. Đó là một vấn đề mang tính lịch sử và thời đại.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

Xin mời đọc bài in trên báo Công an TPHCM ngày 11-7-2016

160711-baibao-congantp_resize