Thứ Năm ngày 25 tháng 4 năm 2024

Happy Labor Day – Cày sâu cuốc bẫm nhé bạn tôi ơi!

caybua-2

Bữa này thứ Hai đầu tiên của tháng 9 (ngày 5-9-2016), người Mỹ được nghỉ lễ mừng ngày Lao động (Labor Day).

Gọi là ngày Lao động, nhưng đây lại là một dịp cho người Mỹ phè cánh nhạn, vui chơi nhảy múa với một cuối tuần dài (long week-end). Họ có thể về quê hay đi chơi từ chiều tối thứ Sáu cho tới tận chiều tối thứ Hai mới phải về để sáng thứ Ba tiếp tục cày bừa.

Theo từ điển bách khoa Wikipedia, ngày lễ Lao động bắt đầu được tổ chức ở Mỹ từ cuối thế kỷ 19, khi các nghiệp đoàn và phong trào người lao động phát triển. Mục đích của ngày này từ ban đầu là để tôn vinh người lao động. Cuộc diễu hành đầu tiên của ngày Lao động đã diễn ra tại thành phố New York năm 1882. Bang Oregon năm 1887 là bang đầu tiên coi ngày Lao động là một ngày lễ nghỉ (public holiday). Vào thời điểm ngày Lao động được Hoa Kỳ công nhận là một ngày lễ liên bang (federal holiday) vào năm 1894, cá nước Mỹ có 30 bang chính thức mừng ngày Lao động.

Nước Canada láng giềng cũng mừng ngày Lao động cùng một ngày với Mỹ. Trong khi đó có hơn 80 nước khác mừng ngày Lao động vào ngày 1-5.

Trong những nguyên nhân giúp nước Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất và giàu nhất thế giới có yếu tố người lao động Mỹ làm việc chuyên cần, năng suất cao và nghiêm túc đóng thuế cho nhà nước (ở Mỹ, tội trốn thuế thuộc nhóm tội nặng nhất). Ngay từ nhỏ, người Mỹ đã được giáo dục tính tự lập, phải lao động để có thể sống được. Họ có ý thức lao động và kỷ luật lao động cao. Tất nhiên, ở nước nào mà không có người nọ kẻ kia, hơn thua nhau ở tỷ lệ giữa người này kẻ khác. Người Mỹ mà có máu làm biếng và óc phè cánh nhạn thì bảo đảm thầy chạy luôn. Thay vì đi làm kiếm tiền, những siêu lười này sẵn sàng làm dân homeless ra đường dựng biển hiệu… ăn xin. Mà ăn xin ở Mỹ cũng có “phẩm giá ngươi Mỹ” kia đó. Họ không chèo kéo, xin xỏ, kể lể. Cần gì, họ ghi lên tấm bìa cứng để ông đi qua bà đi lại ai có lòng từ tâm thì đóng góp. Những người có chút nghề như đàn hát, ảo thuật thì biểu diễn để rồi ai thích sẽ quyên góp cho họ chút tiền. Cũng có những người Mỹ ăn xin không phải vì lười lao động mà là bởi… chứng. Có lần tôi sang Mỹ, đứa cháu ở California kể mình vừa cho tiền một ông già homeless mà sau đó mới phát hiện ông ta đi “làm” bằng xe Cadillac siêu đắt.

Người Mỹ được giáo dục để chỉ phân biệt giữa người có việc làm và người thất nghiệp. người lao động và người không lao động. Đối với họ, đã lao động thì nghề nào cũng đáng quý hết ráo. Nói theo một vở tuồng ở xứ Việt: “Con sen cũng có phẩm giá của con sen”.

Trong chiều ngược lại, chính quyền Mỹ luôn tôn trọng ý kiến và bảo vệ quyền lợi của người lao động. Họ làm rất tốt việc bảo vệ nguồn thu và nuôi nguồn thu. Người lao động khi làm bất cứ việc gì đều phải đóng thuế tới nơi tới chốn, nhưng lúc gặp tai ương, không thể lao động được thì được chính phủ và xã hội Mỹ bảo đảm cuộc sống.

Tôi nhận ra một điều: ở Mỹ hễ chịu khó làm việc là có tiền và người ta có thể tính trước được những gì mình có thể được hưởng trong những năm tới hay thậm chí vào lúc nghỉ hưu. Tiền lương tối thiểu (minimum wage) bình quân của Mỹ vào tháng 7-2015 là 7,25 USD/giờ. Tùy bang và tùy ngành nghề, công ty mà có mức lương khác nhau. Thời gian lao động chuẩn mỗi tuần của người Mỹ là 40 giờ. Một người bạn cho biết gia đình 4 người chỉ cần đi chợ trên dưới 100 USD/tuần là đủ sống rồi.

Có thể nói rằng, so sánh về mức thu nhập thì giá cả hàng hóa ở Mỹ rẻ hơn nhiều lần so với Việt Nam (tất nhiên người Việt ở Mỹ mà xài hàng hóa Việt cũng giống như người ở Việt Nam xài hàng Mỹ, giá cao hơn hàng nội địa rồi). Những người bạn tôi ở Úc, Canada, Tây Âu mỗi lần qua Mỹ là cộ hàng về mệt nghỉ vì quá rẻ.

Để có chút cảm giác về chuyện tiêu dùng ở Mỹ, bạn coi giá một chiếc iPhone 6s 16GB màu Rose Gold nhé. Giá chính hãng Apple đang bán ở Mỹ là 649 USD (với tỷ giá 22.330 đồng/USD, giá khoảng 14.492.000 đồng). Giá của Viễn Thông A ngày 5-9-2016 là 16.990.000 đồng (giảm từ 18.450.000 đồng). Thu nhập bình quân GDP đầu người của Việt Nam là 2.231 USD (năm 2015), trong khi của Mỹ là 53.041 USD (năm 2013). Ai thu nhập cao mà mua đồ rẻ, ai thu nhập thấp mà mua đồ đắt vậy ta?

Ai có qua Mỹ ắt thấy bà con người Việt mình cày bừa dữ lắm. Không phải làm chơi chơi quấy quá mà mấy tờ giấy xanh xanh thần thánh chúng chịu chui vào túi hay tài khoản mình đâu. Làm hết hơi, chơi hết sức. Được cái làm nhiều thì có tiền nhiều, ai cũng ham, cực như con trâu mà vẫn ham làm. Không ít người ra khỏi nhà từ mờ sáng, chạy xe 1-2 giờ tới sở làm, về lại nhà khi trời tối mịt, mỗi tuần chỉ có thể nghỉ một ngày Chủ nhật. Có thể nói chung như vầy, người ở Mỹ sống sướng hơn, nhưng lao động cực hơn người ở xứ Việt.

Vì thế, rất đáng để ăn mừng ngày Lao động. Ở đâu đó nơi cõi trên có câu lao động là vinh quang, lang thang là chết đói. Còn ở cái xứ thực dụng như Mỹ, lao động là giàu sang, lang thang là rỗng túi (nhưng cơ chế xã hội Mỹ không để ai phải chết đói đâu). Happy Labor Day các bạn bè tôi.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh gốc từ Internet.