Thứ Năm ngày 28 tháng 3 năm 2024

Câu Like, câu View bất chấp tất cả

facebook-like

 

Mới đây thôi, một cô gái tự xưng là “Thánh Nữ” đã nhiều lần lên live stream trên mạng truyền thông xã hội Facebook và lần nào cũng thu hút rất đông người xem, chủ yếu là nam giới. Có gì hấp dẫn? Cô nàng khoe bộ ngực “khủng” của mình với những động tác, lời nói “dung tục” không biết ngượng miệng, ngại tay.

Thật ra, cô nàng này chỉ là một trong vô số những người muốn câu like, câu view thu hút nhiều người thích, nhiều người xem trên các mạng truyền thông xã hội. Có những người câu like, câu view để phục vụ cho công việc của mình, coi đó như một cách kiếm sống. Với những người này, số lượng người theo dõi (follow) và người xem trực tiếp hay gián tiếp đem lại lợi nhuận cho họ thông qua các hợp đồng quảng cáo hay hỗ trợ cho công việc chính của họ. Những bạn làm ở những trang tin online, báo điện tử rất thấm cái yêu cầu nghiệt ngã này. Có bạn kể ban biên tập quy định tháng nào không đạt view sẽ bị trừ lương, nếu khỉa 3 tháng liền là phải xách balô ra đi.

Nhưng đa số những người câu like, câu view lại là những người bị lậm cái hội chứng “tự sướng”, khoái được nhiều người chú ý. Họ hầu như không chịu nổi cái cảm giác một ngày không có ai like hay view mình. Có những người phát cuồng với những số lượng người like hay view.

 

CÂU LIKE, CÂU VIEW GÂY NHIỀU HỆ LỤY

Khoe khoang là một trong những tính cách bị coi là đáng khinh trong văn hóa Nhật Bản ở đất nước có lối sống và nếp nghĩ hướng nội và yêu thích sự kín đáo.

Như chúng tôi đã nhiều lần chia sẻ: không phải bất cứ cái gì cũng có thể đưa lên mạng xã hội, đặc biệt là những thứ mang tính riêng tư, cá nhân của mình hay của người khác. Có nhiều hệ lụy về những bất cẩn, hớ hênh như vậy.

Chẳng hạn như cái cô nàng “khoe hàng” trên Facebook và YouTube kia, mặc dù hành động của cô ta thật sự chưa tới mức phạm pháp hình sự, nhưng rõ ràng vi phạm thuần phong mỹ tục ở một số nước. Nó cũng không phải là một cách ứng xử được xã hội chấp nhận hay ủng hộ. Và vì thế, có lẽ ngoại trừ với phần lớn những khán giả đang “lên cơn sốt” mở căng mắt ra mà coi, hồi hộp chờ xem những mức độ cao hơn kia, cô gái bị đánh giá thấp về nhân cách. Và từ đó dẫn tới những hệ lụy sau này. Bản thân nếu xem lại, cô gái có thể thấy mình cũng trở thành nạn nhân, bị lợi dụng khi có những khán giả hoặc bình phẩm tệ hại hoặc khích tướng cho cô trượt dài để phục vụ thị hiếu và nhu cầu “đen” của họ.

Nếu tìm kiếm trên Internet, bạn dễ dàng thấy có vô số những hướng dẫn cách để làm cho tài khoản Facebook của mình được nhiều người biết đến và thậm chí nổi tiếng hơn. Bạn lưu ý là “tăng like, tăng view” khác với “câu like, câu view” nghen. Người ta có những bài bản, chiến lược khoa học và nghiêm túc để “tăng like, tăng view”, tất nhiên là cần có thời gian, thậm chí tốn tiền, và sẽ đạt sự bền vững. Nhưng cũng có vô số chiêu trò, thủ đoạn để có thể “câu like, câu view” hiệu quả tức thì trong vòng 1 nốt nhạc cho dù như bong bóng mưa.

Chẳng biết có ăn theo gì phim cao bồi Viễn Tây ăn khách “The Magnificent Seven” không mà tác giả Scott Ayres đã viết trên trang Post Planner bài chia sẻ 7 cách nhanh chóng và bẩn thỉu (7 Quick & Dirty Ways) để có nhiều người hâm mộ (fan base) trên Facebook. Thật ra, ngay cái tít bài đã là “câu view” rồi. Ayres lưu ý rằng ngày nay đang diễn ra một cuộc cạnh tranh thi đua câu like, câu view trên Facebook nên bạn cần phải có một kế hoạch “tốt và xuất sắc” (well & execute well).

Bản thân chuyện “câu like, câu view” chẳng có gì sai trái. Chuyện chỉ bị coi là đáng trách, và thậm chí vi phạm pháp luật, khi những người đó giở đủ mọi chiêu trò, bất chấp tất cả miễn thu hút được càng đông người bu vào xem và bình phẩm càng khoái.

Có những người đưa nguyên trang chính của hộ chiếu, visa, căn cước công dân, chứng minh thư, thẻ ngân hàng,… lên Facebook mà không cẩn thận che giấu những chi tiết nhạy cảm có thể bị kẻ xấu sử dụng.

Câu like bằng cách đưa những hình ảnh đủ kiểu của con em mình, nhất là khi chúng còn nhỏ, cũng có thể vi phạm pháp luật vì xâm phạm quyền cá nhân, quyền nhân thân của chúng.

Khi đưa những ảnh chụp khêu gợi của chính mình hay người khác lên Facebook, bạn không chỉ bị đánh giá thấp mà còn có nguy cơ vi phạm quy định của Facebook hay nặng hơn là vi phạm pháp luật.

Thủ thuật giựt tít để câu view theo dạng treo đầu dê bán thịt chó, gây sốc… có thể thu hút người vào xem, nhưng sau đó chẳng ai còn tin bạn nữa. Một người bạn của tôi đã phải rời một trang tin online chỉ sau 3 tháng làm việc do không chịu nổi cách biên tập viên giựt tít các tin bài của bạn ấy.

Câu like, câu view bằng cách dựng chuyện, sử dụng lại những nội dung xấu của người khác cũng có thể dẫn bạn tới tòa án hay nhẹ thì phải gặp nhà chức trách.

CẨN THẬN TRƯỚC KHI LIKE HAY SHARE BẤT CỨ CÁI GÌ TRÊN MẠNG

Hồi tháng 2-2016, trang công nghệ của kênh truyền hình Mỹ Fox News cho đăng một bài dài chỉ để khuyên mọi người đừng có nhấn cái nút Like trên Facebook trước khi đọc những gì họ cảnh báo. Tác giả bài cảnh báo tệ nạn Like vô tội vạ trên Facebook chính là Kim Komando, người phụ trách Kim Komando Show – một chương trình trò chuyện trực tuyến cuối tuần trên sóng phát thanh lớn nhất nước Mỹ. Người phụ nữ tóc vàng 49 tuổi xinh đẹp này cảnh báo về cái nạn lừa gạt (scam) nguy hiểm trên Facebook gọi là “like-farming” (tạm dịch là “trồng like”). Bọn lừa đảo (scammer) sáng tác một câu chuyện hấp dẫn, dễ dàng thu hút người đọc, rồi tung lên Facebook để câu “like” (thích) và câu “share” (chia sẻ). Dựa theo tiêu chuẩn của Facebook, tài khoản nào có nhiều người thích và chia sẻ thì sẽ càng được Facebook ưu tiên đẩy thông tin cập nhật lên News Feed của chủ nhân. Hầu hết người dùng Facebook bình thường hễ thấy thích cái gì là nhấn nút “like” hay “share” vô tội vạ. Thậm chí dù chẳng hề đọc nội dung hay không thiệt lòng khoái, nhưng thấy có nhiều người thích và chia sẻ thì cũng ăn theo cho “thiên hạ biết mình là ai”. Kim cảnh báo rằng việc nhấn nút Like, đặc biệt là chia sẻ những liên kết (link) bừa bãi có thể gây hại cho chính mình và những người khác. Bởi các post trên Facebook và các trang web được dẫn tới đó có thể bị bọn xấu cài đặt các mã độc để hễ ai mở ra đọc hay truy cập vào là bị dính chàm, mở cửa cho tin tặc chui vào hệ thống của mình mà lục lạo, phá phách, thường là đánh cắp các thông tin và dữ liệu cá nhân. Các thông tin bị đánh cắp đó có thể bị bọn tội phạm mạng sử dụng cho các vụ lừa đảo sau này hoặc rao bán trên thị trường đen. Đây chính là một chiêu trò mà bọn tội phạm mạng khai thác thuật toán của Facebook để gây tổn hại cho chính người dùng Facebook mà khổ chủ không hề hay biết.

Diane Walker, một người dẫn chương trình truyền hình, trong một bài trên kênh truyền hình Mỹ NBC12 đã liệt kê những dạng trạng thái (status) trên Facebook thuộc loại “trồng like” như “1.000 share và bé gái sơ sinh này sẽ được ghép tim miễn phí”, “Xin đừng bỏ qua…”, “Like và nhìn điều gì xảy ra” đối với người đang bị kẹt trong một chiếc xe tải giữa bầy sư tử bao quanh,… Bạn nghe có quen không? Và bạn có thể tiếp tay (đồng lõa) gây hại với chủ những trạng thái như “1.000 like” sẽ đốt cái gì đó, phá cái gì đó,…

Việc bu lại xem và comment, like hay thậm chí tệ hại hơn là share những trạng thái, sự kiện tệ hại sẽ biến bạn thành đồng lõa, trước mắt là kích thích những kẻ kia tiếp tục trượt dài, sau đó là có thể khiến tự giảm đi giá trị, tư cách của bạn. Có lẽ phải sửa lại một câu cách ngôn quen thuộc thành “Hãy cho tôi biết bạn like gì, share gì, tôi sẽ nói bạn là người như thế nào”.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.

+ Có thể đọc bài in trên báo Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật 6-11-2016 và trên báo Pháp Luật TP Online

161106-baibao-phapluattp-2_resize