Thứ Sáu ngày 19 tháng 4 năm 2024

Thêm 4 nhà báo Mỹ bị khởi tố vì tác nghiệp tại các cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Trump

 

Báo Anh The Guardian (24-1-2017) cho biết thêm 4 nhà báo nữa vừa bị truy tố với các trọng tội (felony) sau khi họ bị bắt trong lúc đang tác nghiệp thu thập thông tin các cuộc biểu tình chống ông Donald Trump trong ngày lễ nhậm chức tân Tổng thống Mỹ của ông tại thủ đô Washington ngày 20-1-2017. Tổng cộng cho tới nay có ít nhất 6 người làm nghề truyền thông báo chí đang phải đối mặt với mức án 10 năm tù giam và nộp phạt 25.000 USD nếu bị tòa buộc tội có liên quan tới lễ nhậm chức của ông Trump.

4 nhà báo này gồm 1 người sản xuất phim tài liệu, 1 phóng viên ảnh, 1 người live-stream truyền hình và 1 phóng viên tự do (freelance reporter). Tất cả họ đều bị truy tố với mức cao nhất theo luật chống bạo động của thủ đô Washington sau khi bị bắt giữ trong các hành động của cảnh sát trấn áp những người biểu tình bạo động.

Những người biểu tình quá khích đốt phá tại thủ đô Washington ngày 20-1-2017. (Ảnh: USA/REX/Shutterstock)

Báo The Guardian ngày 23-1 đã đưa tin hai nhà báo Evan Engel của Vocativ và Alex Rubinstein của RT America cũng đã bị cảnh sát bắt và truy tố với những trọng tội trong khi đang tác nghiệp tại các cuộc biểu tình sáng 20-1-2017.

Jack Keller, một nhà sản xuất series phim tài liệu trên Web Story of America (Câu chuyện nước Mỹ) cho biết anh đã bị giam giữ khoảng 36 giờ sau khi bị cảnh sát bắt tại các đường 12 và L hồi sáng 20-1 bất chấp việc anh đã nói với cảnh sát rằng anh đang ghi hình các cuộc biểu tình với tư cách một nhà báo. Điện thoại di động của anh đã bị nhà chức trách thu giữ. Keller nói rằng: “Cái cách chúng tôi bị đối xử là một sự bôi bác thật sự.” Trong khi đó, Annabel Park, biên tập viên của Keller, bình phẩm: “Đây là một tình trạng bực mình và nản lòng. Những nhà báo này là những người đang có mặt ở đó để quan sát và ghi hình.”

Jack Keller

Matt Hopard, một nhà báo độc lập đang phát live-stream qua Internet cảnh tượng biểu tình đã bị bắt ngay tại chỗ với Keller, Engel và Rubinstein. Anh đã bác bỏ mọi lời tố cáo mình từ cảnh sát.

Cùng bị bắt trong khi đang tác nghiệm trên hai con đường 12 và L là Shay Horse, một phóng viên ảnh độc lập, và Aaron Cantú, một nhà báo độc lập viết cho nhiều đài truyền thanh như Baffler, Washington Spectator, New Inquiry. Cả hai cũng là những nhà hoạt động xã hội. Hai người cũng bác bỏ mọi lời cáo buộc.

Theo báo The Guardian, có hơn 200 người đã bị cảnh sát bắt giữ sáng 20-1-2017 sau khi xảy ra tình trạng những người quá khích đập phá, phóng hỏa tài sản tại thủ đô Washington trong thời gian diễn ra lễ nhậm chức của ông Trump. Cảnh sát cho biết có 6 sĩ quan cảnh sát bị thương nhẹ.

Văn phòng công tố Mỹ ở thủ đô Washington, nơi đang truy tố những nghi can bị bắt giữ, đã từ chối bình luận về các trường hợp riêng biệt của các nhà báo bị bắt, mà chỉ cho biết họ đang tiếp tục xem xét chứng cứ với cảnh sát. Các cuộc thẩm vấn ban đầu đối với Cantú, Hopard, Horse, và Keller đã được lên kế hoạch vào giữa tháng 3-2017. Còn Engel và Rubinstein sẽ phải ra tòa thẩm vấn vào giữa tháng 2-2017.

Thật ra, khi tìm hiểu về 6 người viết báo bị cảnh sát bắt giữ và truy tố, người ta dễ dàng nhận ra hầu hết họ không thuộc các tờ báo chính thống, mà chủ yếu là những người hoạt động báo chí độc lập, kể cả hoạt động xã hội. Họ cũng chủ yếu hành nghề trên Internet. Như Vocativ là một hệ thống truyền thông công nghệ trên Internet chuyên đưa tin theo dạng đào sâu (deep web). Còn RT America là kênh ở Mỹ của hãng truyền hình Nga Russia Today. Trong khi đó cảnh sát báo cáo là đám đông biểu tình quá khích ở thủ đô Washington đã được “tổ chức, cổ vũ, khuyến khích”. Phải chăng những người hoạt động báo chí này bị quy vào tội tiếp tay cho những phần tử bạo động?  

Trong khi đó, Tổng thống Trump đã ra lệnh cấm các cơ quan Nhà nước gồm Bộ Nông nghiệp (USDA), Bộ Giao thông – Vận tải (USDT) và Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) cung cấp thông tin cập nhật cho các mạng truyền thông xã hội hay với các nhà báo.

Xin mời xem video:

PHẠM HỒNG PHƯỚC