Thứ Sáu ngày 19 tháng 4 năm 2024

Bán hàng rong trên mạng Facebook

 

Trong cái thời của mạng này, muốn mua bất cứ món hàng thượng vàng hạ cám nào, cần sử dụng bất cứ dịch vụ từ A tới Z gì, người ta chẳng cần phải dang nắng dầm mưa phóng xe ra đường vừa ùn tắc, vừa nguy hiểm, mà chỉ việc lên mạng tìm và đặt hàng. Ngược lại, khi cần chia lại, bán đi một món hàng nào đó, họ cũng chẳng cần phải cực thân mang tới cầu cạnh những cửa hàng mua đi bán lại, mà chỉ cần tạo tài khoản chào bán trên các mạng xã hội hay các chợ online. Vậy là những người buôn thúng bán bưng, đạp xe, đẩy xe bán hàng rong trên đường phố có một lực lượng đồng nghiệp còn đông hơn bội phần là những người bán hàng rong trên mạng. Những người bán hàng rong này thiệt là sang chảnh, chỉ cần ngồi tại nhà hay quán cà phê, thậm chí nằm dài trên giường trong phòng máy lạnh mà vẫn có thể giao dịch, mua bán ì xèo.

Bây giờ, bạn có thể dễ dàng tìm được từ một ngôi biệt thự, một chiếc xe hơi tới một hộp tăm, cuộn chỉ được chào bán trên các trang Internet, đặc biệt là các mạng xã hội như Facebook, Twitter, hay Zalo, cũng như trên các chợ ảo. Loại hình này gọi là bán hàng cũng được mà nói là rao vặt cũng chẳng hề sai. Nhưng chính xác là 2 trong 1, vừa rao, vừa bán. Tiện cho cả hai bên.

Với môi trường mạng, việc mua bán bây giờ dễ dàng hơn bao giờ hết. Có biết bao bạn trẻ đã khởi nghiệp bằng những giao dịch “bán hàng rong” này. Ban đầu, bạn trẻ có món quà sinh nhật không xài đến nên đem chào bán trên mạng. Suôn sẻ ngay từ lần đầu đã khuyến khích bạn ấy tiếp tục bán những món hàng khác. Rồi thừa thắng xông lên, bạn ấy tìm nguồn hàng để chào bán, nhất là cho những khách hàng đã quen thuộc. Cứ vậy mà phát triển tới lúc bạn ấy lập cả đội rồi cả doanh nghiệp để kinh doanh trên mạng.

Có thể nói rằng hoạt động kinh doanh trên các thể loại mạng ngày nay rất tưng bừng, muôn hình muôn vẻ, trăm hoa đua nở. Chỉ cần có ý tưởng và chịu khó, chịu làm là người ta có thể kiếm được tiền trên mạng.

Những người kinh doanh trên mạng dù là cá nhân hay tập thể, mua đi bán lại cò con hay làm ăn lớn, không hề bị lẻ loi. Họ đã có vô số những dịch vụ hỗ trợ cho mình, thậm chí ăn theo mình. Không cần phải tốn tiền và thời gian cùng bao nhiêu sự rắc rối khác để lập một website thương mại điện tử, người ta chỉ cần tạo một tài khoản trên mạng xã hội, sang và bài bản hơn là lập một fanpage riêng trên mạng xã hội, hoặc tham gia một diễn đàn, một chợ online. Ở Việt Nam từ lâu đã có những người nhạy bén lập những nền tảng hỗ trợ người ta kinh doanh. Họ có sẵn vô số mẫu trang web – cửa hàng để người ta chọn rồi sau đó cung cấp dịch vụ siêu thị online để người ta ký gửi cửa hàng ảo của mình, thậm chí phục vụ luôn các dịch vụ thanh toán và chuyển hàng.

Những dịch vụ chuyển phát nhanh, shipper (giao hàng) cũng nở rộ. Việc thanh toán cũng rất linh hoạt và tiện dụng, nếu e ngại dùng các loại thẻ ngân hàng hay ngân hàng Internet, người mua có thể chọn hình thức trả tiền khi nhận hàng COD. Khi không còn bị bắt làm con tin do đã chuyển tiền thanh toán trước rồi, với hình thức COD này, người đặt hàng có quyền từ chối nhận hàng nếu như không vừa ý khi đã mắt thấy, tay chạm vào món hàng. Nó cũng khiến người bán hàng có trách nhiệm hơn, giảm thiểu những rủi ro lợi dụng bán hàng qua mạng để lừa gạt người mua.

Các loại hình quảng cáo, giới thiệu sản phẩm trên mạng cũng ì xèo. Các mạng xã hội Facebook, YouTube, Twitter,… giờ đây trở thành nơi quảng cáo hữu hiệu và kinh tế nhất. Chúng hút mất ngày càng nhiều ngân sách quảng cáo mà trước đây nhà kinh doanh dành cho báo in, báo mạng, truyền hình,… Mạng Facebook hiện có tới 1,86 tỷ người dùng thật sự hàng tháng trên toàn cầu (ghi nhận ngày 31-12-2016). Riêng ở Việt Nam, theo số liệu do Facebook công bố, có hơn 35 triệu người dùng, nghĩa là có tới hơn 1 phần 3 số dân Việt Nam có tài khoản Facebook. Hàng ngày có hơn 20 triệu người ở Việt Nam vào Facebook. Rõ ràng sức mạnh quảng cáo của Facebook là thiên hạ vô đối. Mạng chia sẻ video YouTube hiện có hơn 1 tỷ người dùng, nghĩa là chiến khoảng 1 phần 3 tổng số người dùng Internet trên toàn cầu. Mỗi ngày người ta xem hàng trăm triệu giờ trên YouTube và tạo ra hàng tỷ lượt xem.

Không chỉ bản thân các mạng xã hội như Facebook, YouTube,… khai thác nguồn lợi quảng cáo trực tiếp từ người có nhu cầu. Ngày càng có thêm nhiều người thu quảng cáo gián tiếp trên các mạng xã hội. Họ tạo ra những nội dung, càng hấp dẫn càng ăn tiền, đưa lên các mạng xã hội này để ăn chia nguồn thu quảng cáo từ các mạng xã hội hay trực tiếp nhận chi phí quảng cáo từ khách hàng. Ngày càng có thêm nhiều nhân vật của công chúng sử dụng các tài khoản mạng xã hội của mình để thu tiền từ những doanh nghiệp cần quảng cáo. Những Facebooker, logger, Vlogger,… có đông người theo dõi (follower) trở thành những cái mỏ vàng trên mạng. Thay vì tốn nhiều tiền cho các quảng cáo truyền thống, doanh nghiệp chỉ cần tốn một khoản chi phí – ít đối với họ mà nhiều đối với những ngôi sao mạng là có thể quảng bá nhanh và luôn tới hàng vạn, hàng triệu người tiêu dùng.

Không ai có thể phủ nhận được các hoạt động mua bán trên mạng đem lại những lợi ích vô cùng lớn cho cả người mua, kẻ bán lẫn các dịch vụ hỗ trợ, ăn theo. Nếu mở rộng ra, loại hình này còn có lợi cho quốc kế dân sinh, không làm tăng mặt bằng xây dựng, giúp giảm thời gian và giảm mật độ giao thông. Trong khi đó, các cơ quan chức năng lại đau đầu và như ngồi trên đống lửa vì cho rằng mình để xổng mất nguồn thu thuế tuy có thể nhỏ từng món nhưng tổng hợp lại thì vô cùng lớn. Bởi hầu hết các giao dịch trên mạng này dù là tự phát hay có bài bản đều không đóng thuế. Đây còn là một sự bất công khi những người kinh doanh đúng quy định, thậm chí những hộ kinh doanh gia đình, những sạp bán hàng ở chợ đều phải đóng thuế cùng lủ khủ loại phí đầy đủ.

Nhưng liệu có thể thu thuế những người bán hàng trên mạng xã hội như Facebook? Điều này đã có gì đó sai sai ngay từ cách đặt vấn đề. Bởi Facebook là một mạng truyền thông xã hội chứ không phải là một sàn giao dịch điện tử và càng không phải là một website thương mại điện tử. Nó không hề cung cấp cơ chế kinh doanh, thanh toán hay giao chuyển hàng. Nó chỉ đóng vai trò trung gian cung cấp thông tin, đơn thuần là dạng rao vặt cho người mua, kẻ bán. Chẳng lẽ lại bắt những người đăng quảng cáo, rao vặt trên báo đài phải đóng thuế? Vấn đề mà các cơ quan chức năng phải làm việc và giải quyết với các mạng xã hội quốc tế có phủ sóng tại Việt Nam là về nguồn lợi nhuận quảng cáo mà họ thu được từ các khách hàng Việt Nam.

Trong thực tế, Facebook chỉ có giá trị như một nguồn thông tin mà các trinh sát thuế của các cơ quan chức năng cần có để xem xét, sàng lọc và truy lần tới những người kinh doanh là đối tượng phải chịu thuế theo luật định. Ở chuyện này, các cơ quan chức năng phải có đủ năng lực để vượt qua cái rào cản vô hình là tình chất ẩn danh và trung tính của những người dùng Internet. Thật ra cũng không khó trong trường hợp cụ thể này, vì người bán hàng qua mạng cho dù có dùng tên ảo nhưng vẫn phải có những thông tin liên lạc cụ thể và chính xác để giao dịch. Tất nhiên không phải bất cứ ai bán hàng trên mạng cũng phải đóng thuế, mà chỉ là những người kinh doanh chuyên nghiệp và có quy mô lớn. Hiện nay, không thiếu những “đại gia” kinh doanh trên mạng xã hội có doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi ngày.

Thực trạng khó quản lý nguồn thu của những người kinh doanh mạng còn là một hệ quả của bối cảnh Việt Nam có tỷ lệ giao dịch không bằng tiền mặt cực thấp. Trong tình hình thực tế như vậy, việc truy thu thuế bằng cách yêu cầu các hệ thống ngân hàng cung cấp thông tin giao dịch càng khiến cho người ta ngán ngại sử dụng hình thức thanh toán qua thẻ, qua ngân hàng. Tình hình này sẽ không phải đặt ra nếu như Việt Nam quyết liệt áp dụng hình thức thanh toán không bằng tiền mặt.

Việc thu thuế các hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng nói chung là cần thiết và đúng đắn. Nhưng đây là nhiệm vụ rất khó, đặc biệt là ở buổi ban đầu. Nó càng trở nên bất khả thi nếu như các cơ quan chức năng không làm đúng theo luật định, thiếu kiên quyết và xử phạt không nghiêm minh những kẻ vi phạm. Việt Nam hầu như không thiếu luật định, thậm chí có khi quá dư là đằng khác. Vấn đề truyền kiếp của chúng ta là ở chỗ thiếu nghiêm mình và hầu như các bên đều thích tự làm luật với nhau.

Không phải chỉ có ở Việt Nam mà là thực tế của cả thế giới, hễ ai có hoạt động kinh doanh đem lại nguồn thu thì đều là đối tượng chịu sự chi phối của luật thuế. Vấn đề là thu thuế như thế nào cho khả thi và đúng đắn. Ở những nền kinh tế văn minh và phát triển bền vững, nhà chức trách không bao giờ tận thu mà chỉ thu đúng thu đủ và biết nuôi dưỡng nguồn thu.

 PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.

+ Bạn có thể đọc bài in trên báo Người Lao Động 22-2-2017 và trên báo Người Lao Động Online