Thứ Sáu ngày 26 tháng 4 năm 2024

Sản phẩm công nghệ thương hiệu Việt: bụt nhà không thiêng?

Smartphone là một trong những sản phẩm có nhiều thương hiệu Việt sớm nở tối tàn. (Nguồn: Internet. Thanks.)

 

Thỉnh thoảng, trên thị trường lại thấy xuất hiện một thương hiệu công nghệ của người Việt, rất ít ra mắt rình rang, còn nói chung là lặng lẽ góp mặt với đời. Và cũng thỉnh thoảng lại có tin một sản phẩm công nghệ thương hiệu Việt nào đó chết yểu. Số lượng những thương hiệu, sản phẩm của người Việt không trụ nổi tới thôi nôi chết trong âm thầm (không thấy bán nữa) nhiều không tính nổi.

Tất nhiên chuyện đó là bình thường trên thương trường luôn giống như chiến trường trong một nền kinh tế thị trường, nhất là ở một nơi có những cơ chế dị thường. Nói chung trên toàn cầu, theo thống kế của tạp chí kinh doanh Mỹ nổi tiếng Forbes, chỉ có 10% dự án khởi nghiệp thành công. Trong số 90% start-up thất bại đó, có 30% chết ngay lập tức và 60% sống lay lắt cầm chừng hoặc bỏ thì thương, vương thì tội, hoặc còn bị ràng buộc bởi những dích dắc nào đó.

Sở dĩ tôi phải cẩn thận viết là “sản phẩm công nghệ thương hiệu Việt” vì nếu nói gọn là “công nghệ Việt” dễ gây hiểu lầm là công nghệ do người Việt phát triển. Làm gì có. Hầu hết (tôi không dám nói là 100%) các sản phẩm mang thương hiệu Việt chỉ có cái tên là của người Việt (thậm chí cái nhãn hầu như cũng được in ở nước ngoài).

Có mấy dạng sản phẩm thương hiệu Việt. Phổ biến nhất là đi sang nước người ta (chủ yếu là Trung Quốc) lùng tìm những nhà sản xuất những sản phẩm mà mình muốn kinh doanh, chọn mẫu mã rồi đặt hàng với thương hiệu riêng, kèm những điều kiện XYZ nào đó. Nếu đủ lực đặt hàng khối lượng lớn, thương hiệu Việt có thể được bảo đảm không bị trùng mẫu mã ở Việt Nam trong thời gian nào đó. Đó là lý do vì sao mà trên thị trường lâu nay vẫn xuất hiện những sản phẩm giống y chang nhau, chỉ khác nhau cái tên. Còn nhớ vào cái thời rộ lên máy tính xách tay thương hiệu Việt dạng mua barebone (vỏ máy và những thành phần cơ bản) về gắn thêm linh kiện, dán logo và đóng thùng riêng, chuyện máy giống nhau mà khác tên như vậy xảy ra khá nhiều. Vấn đề là thương hiệu Việt không đủ sức để đặt hàng riêng hay với số lượng lớn tới mức nhà sản xuất có thể làm khuôn riêng. Trong trường hợp này, thương hiệu Việt có thể tạo dấu ấn riêng cho sản phẩm bằng cách thay ROM, BIOS cho hiện logo của mình, cài thêm những ứng dụng riêng. Và tới đó là… hết sức.

Những thương hiệu lớn có đủ lực thì chọn dạng mua barebone về hoàn thiện lại theo những cấu hình linh kiện riêng. Nếu ngon lành thì họ có thể tự sản xuất một số thành phần của riêng mình rồi gắn vào bộ khung mua sẵn đó.

Còn dạng có khả năng lắp ráp riêng, hoặc là tậu cả dây chuyền lắp ráp, hoặc đơn giản là dùng tuốc-nơ-vit, để làm ra sản phẩm thì rất hiếm. Và nếu được chăng thì đây mới có thể gọi là sản phẩm Việt. Không phải cứ buộc phải tự làm ra được tất cả hay hầu hết thành phần, linh kiện của một sản phẩm thì nhà sản xuất mới có thể gọi là sản phẩm của mình. Các ông lớn công nghệ trên thế giới cũng không thể và không ngây thơ làm như vậy. Món nào không làm được hay tự làm không có lợi thì họ mua từ nhà sản xuất chuyên dụng khác.

Thêm một chuyện nữa là sản phẩm “sản xuất tại Việt Nam” (Made in Vietnam) khác hẳn với “sản phẩm của Việt Nam” (Product of Vietnam). Tùy quy định của mỗi nước mà nhà sản xuất có thể dùng cái nhãn nào. Nói chung, cái nhãn “Made in Vietnam” là chỉ xuất xứ mà hiện nay đang xuất hiện trên khắp thế giới trên những sản phẩm được gia công hay sản xuất từ các nhà máy chính hãng đặt tại Việt Nam. Còn “sản phẩm của Việt Nam” là chỉ nguồn gốc, cho dù sản phẩm đó có được sản xuất hay gia công ở nước nào. Vì thế, không thể chỉ vin vào cái nhãn “Made in Vietnam” mà chê là hàng xấu, hàng tệ. Vô số những sản phẩm Adidas, Nike, Intel, Pierre Cardin,… đang in nhãn “Made in Vietnam” đó thôi.

Sở dĩ phải nói dài dòng như vậy trong một bài viết về sự long đong của những sản phẩm công nghệ thương hiệu Việt vì chính yếu tố này cũng là nguyên nhân của cái số phận hẩm hiu, sớm nở tối tàn đó.

Đừng ai ngây thơ mà liên kết việc tiêu dùng những sản phẩm thương hiệu Việt với lòng yêu nước. Trước hết, thực chất hầu hết sản phẩm đều chỉ có thương hiệu Việt hay do người Việt sản xuất. Nói chung là người tiêu dùng thông minh luôn biết mua sắm một cách khôn ngoan có lợi nhất cho mình. Sản phẩm tệ thì có đem cho chưa chắc người ta đã xài chứ nói chi bỏ tiền ra mua.

Không thể phủ nhận tâm lý người tiêu dùng Việt chuộng ngoại. Đó là lý do mà hầu hết thương hiệu Việt đều đặt theo tên nước ngoài. Cũng tốt thôi vì vừa dễ đọc, vừa có khả năng mở rộng thị trường ra nước ngoài. Có doanh nghiệp Việt đăng ký thêm công ty ở nước ngoài để sản phẩm thương hiệu mình có được xuất xứ ngoại hẳn hoi. Thậm chí cũng mua sản phẩm từ Trung Quốc về dán nhãn thương hiệu mình nhưng dùng danh nghĩa công ty mở ở nước ngoài để có xuất xứ ngon hơn.

Phải chăng bụt nhà không thiêng? Nhưng tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Chính các thương hiệu Việt tự giết mình trong lòng người tiêu dùng Việt vì cách làm ăn của họ. Nói chung là làm ăn kiểu chụp giựt, ăn xổi ở thì, cố gắng quơ quào càng nhanh càng tốt, gian dối, coi thường khách hàng,… thì không thể nói chuyện bền lâu được. Đặc biệt là làm ăn trong thời của mạng truyền thông xã hội với sức lan tỏa, đưa thông tin kinh khủng. Chỉ cần một số khách hàng nổi giận tung lên mạng là coi như nhà kinh doanh tiêu mạng.

Người ta có quyền đặt nghi ngại trước những thương hiệu ăn theo những thương hiệu nổi tiếng. Thiên hạ có Sony, ta ra Sonni, Soky,… Có thương hiệu đánh lận con đen quảng cáo sản phẩm mang tên Nhật Bản là dùng công nghệ Nhật Bản, tên Hàn Quốc là theo công nghệ Hàn Quốc,… thật ra chỉ có một số linh kiện từ Nhật Bản, Hàn Quốc.

Chính những thương hiệu mà ngay từ trong trứng nước đã ủ mưu lừa gạt người tiêu dùng như vậy làm xấu đi hình ảnh thương hiệu sản phẩm Việt. Và nó gây tổn hại cho những người Việt làm ăn chân chính, có nhiều hoài bão làm ra những sản phẩm thương hiệu Việt đàng hoàng và ngon lành vừa cho người Việt dùng, vừa có thể vươn ra thị trường thế giới. Họ không thể cạnh tranh nổi với những chiêu trò giá nào cũng chơi của những đối thủ đồng bào mình.

Do những đặc thù, thị trường hàng công nghệ Việt Nam giờ đây là một chiến trường của những thương hiệu Trung Quốc. Có khi họ đánh nhau thật, nhưng có lúc họ đánh nhau giả vì nguồn lợi nhuận cuối cùng cũng đổ về xứ họ. Các thương hiệu Việt rất khó có cửa để chen vào. Trên thị trường di động Việt bây giờ chỉ còn sót lại vài ba thương hiệu Việt, còn thì đã chuốc những cái chết được báo trước. Làm sao họ có thể cạnh tranh nổi, kể cả khi mua mẫu mã của Trung Quốc về in thương hiệu mình, giữa tình hình ngày càng có thêm nhiều thương hiệu nổi tiếng của Trung Quốc nhảy vào thị trường Việt Nam với hậu thuẫn khổng lồ sau lưng. Với lợi thế thị trường Trung Quốc lớn nhất thế giới (khoảng 1,4 tỷ dân), các thương hiệu Trung Quốc chỉ cần phục vụ nhu cầu nội địa là đã huề vốn để thu lợi rồi, đi ra nước ngoài chỉ là để làm thương hiệu và kiếm thêm lợi nhuận. Chưa kể đã thua trắng về yếu tố giá, thương hiệu Việt thực chất là hàng Trung Quốc làm sao có thể được người tiêu dùng lựa chọn giữa một rừng sản phẩm chính hãng Trung Quốc với những thương hiệu nổi tiếng quốc tế.

Chẳng lẽ đã vô phương hết cách? Vậy thì làm thế nào để các sản phẩm công nghệ thương hiệu Việt có thể sống khỏe, sống lâu ngay trên thị trường Việt? Chung quy lại mấu chốt vẫn nằm ở chính các nhà sản xuất Việt. Họ phải trả lời câu hỏi tiên khởi: sản phẩm của mình có đủ sức cạnh tranh không và làm thế nào để có thể thuyết phục được người tiêu dùng tin tưởng mà dùng? Tất nhiên, nói cho vuông tròn thì Nhà nước cũng phải có những trợ lực từ chính sách cho những sản phẩm công nghệ thương hiệu Việt thật sự. Nhưng trong nền kinh tế thị trường như hiện nay, làm gì có chuyện doanh nghiệp có thể ăn nên làm ra và sống lâu nếu chỉ biết dựa vào “lá bùa chính sách Nhà nước”.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.

+ Có thể đọc bài in trên báo Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật 9-4-2017 và trên báo Pháp Luật TP Online