Thứ Tư ngày 24 tháng 4 năm 2024

Một chút xao lòng cho nghề báo

 

Xin đừng trách tôi, cho tới hôm nay, 14-10-2017, khi đồng nghiệp Đinh Hữu Dư của tôi đã trở về trong vòng tay người thân – dù chỉ là tro cốt – tôi vẫn không dám đọc những tin bài viết về sự ra đi của bạn. Để cập nhật thông tin, tôi chỉ thoáng lướt qua một số tựa đề. Tôi tự nhận mình là một kẻ mềm yếu – quá yếu lòng trước sự sinh tử của bạn bè mình.

Dưới con mắt mọi người, Dư đã hy sinh khi làm nhiệm vụ. Trong khía cạnh nghề nghiệp, bạn đã sinh nghề tử nghiệp. Và tôi luôn cảm thấy nhẹ lòng hơn với ý nghĩ thứ hai này. Bởi hy sinh là cái gì đó mang tính hào quang, là sự vĩ đại, là sự ghi nhận của người đời. Còn, ít nhất là theo tôi nghĩ, bất cứ ai rất mực yêu nghề nghiệp của mình đều nghĩ rằng mình luôn có thể hy sinh – kể cả tính mạng vì nghề của mình, tất nhiên là khi không có sự lựa chọn nào tốt hơn và trong tình huống không thể nào khác hơn. Có thể có người tranh cãi với tôi điều này. Nhưng tôi luôn là người sẵn sàng chết thay cho những người mà mình rất mực yêu quý. Nghề báo là người tình Number One của tôi.

Nhưng, có thể chết vì ai khác không đồng nghĩa với việc đâm đầu vào chỗ chết bằng bất cứ giá nào. Tôi nhớ mình từng xem trong một bộ phim nào đó chuyện một người cha xin cho mình được chết thay con trai đang bị kẻ ác khống chế, để rồi sau khi bắn chết người cha, kẻ ác kia giết luôn đứa con. Thay vì lúc đó người cha lao vào sống còn với kẻ ác, biết đâu chừng mở được đường sống cho con mình. Tất nhiên đây chỉ là một tình huống giả định cốt để minh họa cho cái ý là nếu có thể được thì tránh hy sinh mù quáng.

Trở lại chuyện bạn Dư, tôi tin rằng bạn rất quý mạng sống của mình, không phải chỉ cho bạn mà còn cho mọi người thân yêu của mình. Phía trước bạn là những nhiệm vụ, những thước phim, những tấm ảnh và những câu chữ. Phía sau bạn là cha mẹ, ông bà, anh chị em và những người thân yêu khác. Và tai nạn xảy ra chỉ là… tai nạn. Bạn chỉ đơn giản là muốn có được những hình ảnh có sức thuyết phục mạnh hơn nên chọn vị trí tác nghiệp đó, rồi chẳng may tai nạn xảy ra.

Sở dĩ phải dài dòng như vậy vì tôi không dám nghĩ người phóng viên nơi đầu sóng ngọn gió vô vàn bất trắc và hiểm nguy phải chịu áp lực quá lớn từ những ông bà quan chức đang ngồi trong phòng máy lạnh của tòa soạn hau háu muốn có được những tin tức độc quyền để thu hút bạn đọc và đua tranh với đối thủ. Tôi cũng không muốn người phóng viên khi ra đi phải ân hận bởi mình vì công việc mà phải lỗi đạo với cha mẹ mình, nhất là trong điều kiện có những lựa chọn khác hơn.

Nghề báo cũng phải xông pha trận mạc, thậm chí dưới hòn tên mũi đạn. Nhưng tôi không bao giờ so sánh người phóng viên với người lính. Người lính có nhiệm vụ chiến đấu với kẻ thù và nếu phải hy sinh thì cũng là định mệnh của người lính. Còn người phóng viên có nhiệm vụ thu thập tin tức và có những sự lựa chọn nhất định để bảo vệ mạng sống của mình.

Nói thì nói vậy chứ đụng chuyện rồi thì mới thấy đá thấy vàng. Những người phóng viên khi ra tuyến đầu cũng dễ say máu như ai. Và lúc đó mới quan trọng và cần thiết hơn cả là những cái đầu bình tĩnh và sáng suốt của tập thể tòa soạn phía sau. Tôi tin là các nhà báo chân chính, khi làm công việc quản lý ở tòa soạn, không ai lại muốn đẩy các phóng viên của mình vào chốn hiểm nguy, đạt được ý đồ tòa soạn bằng bất cứ giá nào. Khi lượng định được những nguy cơ, chính tòa soạn chứ không ai khác phải tìm mọi cách để bảo đảm an toàn cho phóng viên của mình.

Nữ diễn viên Tina Fey đóng vai phóng viên chiến trường Kim Baker trong bộ phim Whiskey Tango Foxtrot (tháng 4-2016). Bộ phim này được dựng dựa trên hồi ký của Kim, người từng có 5 năm (2004-2009) làm phóng viên chiến trường tại các điểm nóng Afghanistan và Pakistan. (Ảnh: Internet. Thanks.)

Tôi nghe nói ở nước ngoài, người ta có những chương trình tập huấn cho phóng viên về các kỹ năng tự bảo vệ trong những tình huống nguy hiểm và khi tác nghiệp trong những môi trường khắc nghiệt. Tòa soạn chỉ cử những phóng viên có đủ các kỹ năng an toàn tới những điểm nóng. Khi tác nghiệp ở những nơi nhiều bất trắc, phóng viên cần phải được trang bị đầy đủ thiết bị bảo vệ mình. Thú thật, trong đời làm báo của mình, tôi chưa từng được dự hay nghe về những lớp tập huấn như thế. Chẳng rõ ở các tòa soạn khác có quan tâm đến điều này không. Phóng viên không phải chỉ biết viết bài cho hay, cho đúng ý tòa soạn, mà còn phải biết cách để xử lý tình huống, phòng ngừa rủi ro và thoát hiểm khi cần. Các nhà máy, xí nghiệp, công trường còn phải thường xuyên coi trọng an toàn lao động với khẩu hiệu “an toàn là trên hết” kia mà.

Thôi thì an nghỉ nhé bạn đồng nghiệp. Tôi không hô hào các đồng nghiệp khác lấy bạn làm một tấm gương để xả thân, hy sinh cho nghề đâu. Tôi cũng tin rằng ở nơi có đông người hơn cả, bạn không bao giờ muốn có đồng nghiệp nào khác xảy ra như mình. Sinh mạng con người là quý hơn tất cả mọi thứ. Nó chỉ có thể hy sinh đúng mục đích khi không còn có sự lựa chọn nào tốt hơn. Tôi không chịu nổi những ai nói rằng sự hy sinh của bạn là đáng tự hào. Tôi thương tiếc bạn và ước gì bạn không phải hy sinh như thế này. Làng báo nói chung và tòa soạn nói riêng mất một đồng nghiệp thì rất đau lòng, nhưng tin tôi đi, không có nỗi đau nào có thể sánh bằng những gì mà gia đình người đó phải gánh chịu bây giờ và mãi về sau.

Nhà báo có thể không làm được một cái tin nào đó, nhưng đừng bao giờ để bản thân mình phải trở thành một bản tin buồn.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.