Thứ Sáu ngày 26 tháng 4 năm 2024

Từ iii tới 4

 

Sáng nay bạn Mark Zuckerberg khai quật nhắc lại di tích khảo cổ Pentium iii và Pentium 4 của nhà Intel. Gia đình CPU Intel Pentium iii bắt đầu từ tháng 2-1999 và tới tháng 11-2000 có Pentium 4.

Pentium i ra đời 1993 giống như hầu hết các thứ có khả năng sinh sôi nảy nở khác không có kèm theo số 1 sau tên cúng cơm. Vì thế không thể xác định Intel xài chữ số La Mã hay A Rập. Pentium II ra đời tháng 5-1997 dùng số La Mã viết dạng in hoa. Pentium iii cũng dùng số La Mã nhưng viết dạng thường. Tới Pentium 4 thì Intel chuyển sang dùng chữ số A Rập. Tiếc là không có Pentium 5 để biết sự tình tiếp diễn ra sao.

Sau Pentium 4, Intel bắt đầu dùng thương hiệu Intel Core (từ tháng 1-2006 đến nay).

Cho tới nay tôi vẫn mê nhất là cái màu xanh lá cây chủ đạo của Pentium iii. Tôi vốn mê màu này, một phần do mình thuộc mạng Hỏa.

Tôi đã chính thức dính với CPU Intel từ con Pentium P54C tốc độ 100MHz ra đời năm 1994. Hồi đó tôi bỏ ra 1.200 USD để ráp chiếc PC đầu đời của mình. Lúc đó giá vàng SJC khoảng 4,5 triệu đồng/lượng, tỷ giá USD gần 11.000 đồng ăn 1 USD.

Vậy mà thoắt cái đã 24 năm trôi qua kể từ ngày tôi biết nhấn nút Power mở PC ra để mà…ngó. Xin khai thiệt là tôi mua PC chỉ với mục đích ban đầu là để mở coi nội dung chiếc đĩa mềm 1.4MB mà bà bán báo ngoại văn nói nhỏ vào tai là chiếc đĩa mang từ Mỹ về này có nội dung hấp dẫn lắm và bán giá hữu nghị cho tôi 20.000 đồng. Gần nửa tháng sau khi có máy tính tôi mới biết cách mở chiếc đĩa mềm đó ra và cài đặt. Lúc đó xài Windows 3.0. Do mở hoài mà hỗng thấy gì (thời đó xứ mình chưa có Internet), nên tôi cứ cài đi cài lại, mỗi lần cài trên màn hình xuất hiện thêm 1 icon. Tới chừng màn hình đầy nhóc icon của đĩa đó mà hỗng biết cách xóa, tôi nhờ một cậu sinh viên tin học tới xử giùm, tốn 50.000 đồng. Sau này tôi mới biết đó là đĩa mềm setup dịch vụ Internet AOL của Mỹ tặng kèm mấy tạp chí Mỹ. Cho bỏ cái tội ham coi đồ hấp dẫn. Nhiều tháng sau khi mua PC, tôi vẫn viết báo bằng máy đánh chữ truyền thống. Sau này khi biết gõ Word, tôi chỉ dám in ban ngày vì chiếc máy in đầu đời là máy in kim màu Citizen mỗi khi in là cả xóm cùng nghe.

PHẠM HỒNG PHƯỚC