Thứ Sáu ngày 29 tháng 3 năm 2024

Ừ thì Tết

PHP RỦ RỈ RÙ RÌ

 

Sáng nay tôi run tay khi gỡ tờ lịch bloc mới. Run không phải chỉ vì sáng nay Saigon trời se se lạnh với nhiệt độ trong nhà tôi giữa trung tâm phố phường đã là 24 độ C, còn lạnh hơn cả phòng máy lạnh (vốn quen để ở 26 độ C).

Tôi run tay vì hôm nay thứ Hai 5-2-2018 bắt đầu vô 20 Tết Mậu Tuất rồi. Nói cho chính xác, hôm nay 20 tháng Chạp năm Đinh Dậu.

Theo tập quán ông bà, hễ từ ngày 20 tháng Chạp trở đi là người ta gắn thêm cái đuôi Tết vào phía sau. Có nghĩa hôm nay là 20 Tết. Có nghĩa hôm nay bắt đầu 10 ngày cuối cùng của cao điểm chuẩn bị Tết. Có nghĩa hôm nay gần 94 triệu người Việt ở trong nước và khoảng 5 triệu đồng bào ở nước ngoài bắt đầu vô Tết. Có nghĩa hôm nay Tết đã dí tới tận… à mà thôi!

Để tăng thêm cái độ thrilling (xin lỗi, tôi hỗng dám dùng tiếng Việt để mô tả), ta nói cho mà nghen: chỉ còn 3 ngày nữa thôi là tới Tết ông Công ông Táo rồi đó mà.

Sáng hôm qua, 19 thảng Chạp, hai anh em tôi cỡi ngựa sắt vượt 80 cây số (50 mile) từ Chợ Lớn về ấp Vàm Lớn (Thuận Nghĩa Hòa, Long An) tảo mộ cha mẹ an nghỉ trong khu vườn nhà anh chị mình. Năm nay anh em tôi đi tảo mộ sớm, thường mọi năm từ 23 tháng Chạp trở đi, nên Quốc lộ 1A còn ít người chạy xe máy về quê ăn Tết. Nhưng tôi trở nên nặng lòng khi nhìn thấy một đôi vợ chồng trẻ chở một nhóc con còn ẵm ngửa xuôi về miền Tây. Thằng nhóc mặc kín mít, đội nón bảo hiểm, mang kính mát, đeo khẩu trang nằm trong lòng mẹ ngồi phía sau. Chiếc xe gắn máy chất lủ khủ túi xách hành lý, bao túi đựng đồ, ngay cả phía trước của anh chồng cầm lái cũng chất một túi lớn. Cứ nghĩ tới cảnh 3 cha con ngồi trong tư thế chật chội, gò bó đó vượt hàng trăm cây số về quê ăn Tết mà cám cảnh.

Cái tôi nhớ tới bài báo hôm 1-2-2018 trên tờ báo Anh Daily Mail giựt tít rằng “Cuộc di trú con người hàng năm lớn nhất thế giới bắt đầu” (The world’s largest annual human migration begins). Mùa về quê ăn Tết ở Trung Quốc năm nay bắt đầu từ ngày 1-2-2018 (16 tháng Chạp Đinh Dậu) và sẽ kéo dài 40 ngày cho tới 12-3 (25 tháng Giêng năm Mậu Tuất). Giới hữu trách ngành đường sắt Trung Quốc ước tính sẽ phải chuyên chở 390 triệu hành khách (hơn cả dân số Hoa Kỳ) về quê ăn Tết năm nay. Còn theo Đài truyền hình trung ương China Central Television Station, có tổng cộng khoảng 2,98 tỷ chuyến đi sẽ được 1,4 tỷ người Trung Quốc thực hiện trong mùa Tết này bằng xe lửa, xe khách và máy bay.

Buổi chiều trên đường trở lại Saigon, dọc Quốc lộ 62 chạy từ thành phố Tân An tới tận Vĩnh Hưng áp biên giới Cambodia, tôi đã thấy xuất hiện một số điểm bán hoa Tết với những chậu vạn thọ vàng, chậu bông giấy đỏ trắng,… Cùng chạy với chúng tôi có một chiếc xe hơi loại nhỏ từ Đồng Tháp lên đã phải mở bung nắp thông gió trên mui lấy chỗ cho cây mai ló đầu ra. Vậy là những người trên xe đã phải mở toang các cánh cửa sổ trên xe cho mát dù chịu hứng bụi vì không thể mở máy lạnh. Khổ thân con người.

Về tới Tân An đã 6 giờ chiều, sau 45 phút vượt 32km từ huyện Thạnh Hóa (Tuyên Nhơn cũ), mấy chén cháo vịt nhà nuôi ngọt lừ do chị Ba nấu đã đi vào nơi xa vắng. Hai anh em bèn bỏ qua đường tránh mà chạy thẳng vào thành phố Tân An kiếm gì lận… bụng. Có quán hủ tíu bên đường do hai chàng thanh niên bán. Ăn ngon với giá không tưởng: hủ tíu thịt 10.000 đồng/tô, hủ tíu xương 15.000 đồng/tô, hủ tíu xương hoành thánh 20.000 đồng/tô và hủ tíu hải sản 20.000 đồng/tô. Quán bán trên lề đường nên rẻ hơn, nhưng sạch sẽ, tinh tươm lắm. Hồi sáng bận đi, tại một quán bên QL 62 gần đường cao tốc, hai anh em tôi ăn hủ tíu xương heo với giá 25.000 đồng/tô mà ú nụ hủ tíu và thịt. Sực nhờ tuần trước, do bị cảm lạnh Đà Lạt nên hôi cơm tanh cá, tôi mua một tô phở bò tái nước trong ở Chợ Lớn giá 75.000 đồng/tô.

Sẵn nhớ bữa trưa, bà chị tôi đãi mấy đứa em món cá rô phi chiên dầm nước mắm chua. Cá rô do dân chài bắt trên sông bán giá 20.000 đồng/ký có 4 con. Ở Saigon quanh năm ăn cá nuôi bằng thức ăn công nghiệp, giờ ăn cá dưới sông sống tự nhiên mà nghe nó phê từng sợi thần kinh vị giác.

Nhiều năm rồi mới lại chạy vào thành phố Tân An, nhưng cũng chỉ từ QL62 tới QL 1A rồi ngược lên Saigon qua cầu Tân An cũ, tôi cảm thấy lòng mình xốn xang với biết bao kỷ niệm xưa ùa về. Thằng em hỏi anh ở Tân An mấy năm. Ừ, tôi đã sống ở đây 8 năm, từ 1976 tới 1984, nguyên cả tuổi thanh xuân (năm 1976 tôi mới 19 tuổi đã chính thức vào đời bằng nghề làm báo chuyên nghiệp). Vậy là tới năm 2018 này, tôi đã chính thức làm báo được 42 năm ư? Nói là chính thức vì khi còn đi học, tôi đã làm các thể loại báo ở trường Trung học Công lập Kiến Tường, rồi ngay từ những tháng cuối năm 1975 đã bắt đầu viết cho báo tỉnh Long An. À mà thôi…

Tôi nghĩ gì khi hôm nay 20 Tết Mậu Tuất rồi? Những năm trước, mỗi lần Tết đến, tôi lại rên rỉ, than thở, bắt chước nhà thơ Chế Lan Viên trong bài thơ Xuân thời Tiền chiến:

“Tôi có chờ đâu, có đợi đâu.
Đem chi xuân lại gợi thêm sầu?
Với tôi, tất cả như vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau!”  

Từ năm ngoái tới nay, tôi bỗng dưng giác ngộ đột xuất khi nhận ra rằng còn được hưởng cái Tết nào là coi như hồng ân của đấng Tối cao ban cho mình.

Vậy nên hôm nay 20 Tết ư? Ừ thì Tết… Ứ thì Tết….

PHẠM HỒNG PHƯỚC