Thứ Sáu ngày 19 tháng 4 năm 2024

Chủ nhật đầu tiên của Giáo hoàng Francis

Trước một đám đông lên tới khoảng 300.000 người chen kín cả trong và chung quanh Quảng trường St. Peter’s Square ở Vatican ngày Chủ nhật 17-3-2013, tân Giáo hoàng Francis đã có bài giảng thuyết Chủ nhật đầu tiên của mình với cương vị người đứng đầu Giáo hội Công giáo gồm 1,2 tỷ người trên toàn cầu. Ngài kêu gọi các giáo dân hãy thể hiện niềm tin của mình bằng lòng nhân từ và sự tha thứ.

Vài giờ trưóc đó, sự khiêm nhu và tính cách tự nhiên thoải mái của vị giáo hoàng người Argentina gốc Ý 76 tuổi đã được thể hiện khi ngài chào mọi người gần ven thành phố Vatican. Khi tiến vào để làm lễ tại nhà thờ St. Anna Parish, vị Giáo hoàng mới được bầu ra hôm 13-3 đã quyết định dừng lại để chào đám đông đang đứng đợi ngài tới. Đi bộ tới đám đông đó, ngài đã bắt tay họ, ẵm một em bé sơ sinh và thậm chí còn ra hiệu cho 2 giáo sĩ mà ngài nhận ra trong đám đông để họ vượt qua các rào cản mà tới bên ngài.

Trong mấy ngày vừa qua, vị giáo hoàng đầu tiên xuất thân từ Dòng Tên và là vị giáo hoàng người châu Mỹ đầu tiên này đã làm mọi người ở Vatican vốn quá quen với cảnh sang trọng, lộng lẫy và nghi thức phải đi từ ngạc nhiên này tới kinh ngạc khác. Giáo hoàng đã xóa tan những truyền thống lâu đời về sự cầu kỳ, kiểu cách vốn tồn tại hàng trăm năm tại đây. Ngài đã không mang đôi giày màu đỏ nổi bật mà chọn đôi giày đen bình thường, không đi lại trên chiếc limousine sang trọng mà dùng một chiếc mini-van, không quàng chiếc áo choàng nhung đỏ truyền thống mà chỉ dùng lễ phục màu trắng, không đeo thánh giá kim loại mà dùng một chiếc bằng gỗ.

Hôm 14-3, trong ngày đầu tiên là Giáo hoàng, ngài đã cùng đoàn tùy tùng tới một ngôi nhà thuộc sở hữu của Vatican, nơi ngài trú ngụ trước cuộc mật nghị bầu giáo hoàng. Tại đây ngài tự nhận hành lý của mình rồi tiến lại cảm ơn toàn bộ nhân viên ở đây, từng người một, không hề vội vã. Người phát ngôn của Vatican, Federico Lombardi cho biết: Giáo hoàng sau đó đã dùng tiền cá nhân để trả hóa đơn tiền phòng của mình “để làm gương”.

Điều đáng nói là không ai có thể nghi ngờ những việc làm của tân Giáo hoàng Francis trong những ngày qua là “màu mè”, chỉ diễn ra trong những ngày đầu ở Vatican.  Bỡi lẽ đó chính là phong cách sống của ngài ở Argentina xuyên suốt từ khi mới đi tu cho tới lúc có phẩm vị hồng y và làm tổng giám mục Buenos Aires. Ở quê nhà, ngài vẫn thường đi lại bằng xe buýt, hôn lên chân của những bệnh nhân AIDS, cầu nguyện cùng với những gái mại dâm. Thay vì sống trong ngôi biệt thự sang trọng dành riêng cho tổng giám mục Buenos Aires, ngài sống cùng một vị linh mục lớn tuổi trong một ngôi nhà đơn sơ dưới phố. Ngài tự nấu lấy bữa ăn cho mình và ngủ trên một chiếc giường giản dị và sưởi ấm bằng một chiếc lò nhỏ. Ngài không trả lời phỏng vấn của báo chí và chẳng tốn công cải chính những điều người ta bịa đặt về mình.

Pawel Rytel-Andrianek, một người khách cũng ở trong ngôi nhà mà Giáo hoàng Francis khi còn là hồng y thường ở mỗi khi sang Vatican làm việc, kể: “Mọi người ở đây cho biết trong suốt 20 năm qua, ngài chưa từng đề nghị Vatican cử ô tô đón mình. Ngay cả khi tới dự mật nghị cùng một linh mục khác trong giáo phận của mình, ngài vẫn ra đường đón taxi để tới nơi họp. Quả là một cử chỉ rất giản dị”.

Chẳng biết các chức sắc ở Vatican nghĩ sao, nhưng sự khiêm nhu và đơn sơ của Giáo hoàng Francis đã chinh phục hầu hết cộng đồng Công giáo toàn cầu.

Hồng y Wilfrid Napier của Nam Phi nhận xét: “Tôi chỉ nghĩ cách mà ngài đang hành xử là rất thận trọng. Nó rất đỗi bình thường. Nó giống như thể: “Tôi là giáo hoàng, nhưng tôi vẫn có thể ngồi xuống bất cứ bàn nào với bất cứ ai. Tôi có thể chia sẻ các câu chuyện của mình, nói về cuộc đời mình và chia sẻ công việc mục vụ của mình.”

Ngày thứ Bảy 16-3, trong lần xuất hiện đầu tiên với báo giới tại Sảnh Paul VI, Giáo hoàng Francis tuyên bố ngài muốn nhìn thấy một Giáo hội Công giáo sống nghèo khó và luôn nhớ sứ mạng của Giáo hội là phục vụ người nghèo khó. Ngài đã gây được ấn tượng tốt khi hầu như trả lời ứng khẩu với các câu hỏi của nhà báo và thường mỉm cười hóm hỉnh. Tại đây, ngài cũng giải thích lý do mình chọn tên hiệu Francis theo tên của Thánh Francis Thành Assisi, một biểu tượng của hòa bình, khổ hạnh và nghèo khó.

Sáng thứ Ba 19-3-2013, Giáo hoàng Francis trở lại quảng trường St. Peter để dự thánh lễ tấn phong giáo hoàng. Nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới tới Ý để tham dự sự kiện này. Chiều tối 18-3, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden có mặt tại Rome để dự thánh lễ này vào sáng hôm sau. Trong ngày 18-3, Giáo hoàng có lịch tiếp bà Christina Kirchner, nữ Tổng thống Argentina, khi bà tới Rome để dự lễ tấn phong Giáo hoàng. Đây là chính khách mà Giáo hoàng thường phê phán khi còn làm hồng y ở quê nhà. Theo lịch vào cuối tuần tới, Giáo hoàng Francis sẽ có cuộc gặp với vị tiền nhiệm là Giáo hoàng Danh dự (Pope Emeritus) Benedict XVI. Đây sẽ là một sự kiện độc nhất vô nhị trong lịch sử khi Vatican có tới 2 vị giáo hoàng cùng một lúc. Ngày 28-2-2013, Giáo hoàng Benedict XVI đã trở thành vị giáo hoàng đầu tiên từ chức trong gần 6 thế kỷ qua. Năm nay 85 tuổi, Giáo hoàng Benedict XVI cho biết mình không còn đủ sức khỏe để gánh vác công việc đứng đầu Giáo hội trong thời kỳ đầy thách thức này.

Hồng y Justin Rigali của Philadelphia (Mỹ) ngày 18-3 nói với các nhà báo rằng: Giáo hoàng Francis đang truyền tải một thông điệp tương tự như thông điệp từng được vị tiền nhiệm Benedict XVI đưa ra. “Ngài đang công bố thông điệp về lòng khoan dung, nhân từ của Thiên chúa. Đó là điều rất quan trọng. Nhưng ngài làm điều đó theo cách của mình cũng giống như ngài Benedict đã làm theo cách của ngài ấy.”

Một người bạn ở Mỹ cũng vừa gởi cho tôi những nét chấm phá về cuộc đời tân Giáo hoàng với tựa đề: “20 điều ít biết về tân Giáo hoàng Francis”. Tôi xin chia sẻ lại nhé!

1. Giáo hoàng Francis, tên thật là Jorge Mario Bergoglio, xuất thân từ một gia đình trung lưu có 5 người con và có cha là công nhân đường sắt gốc Italia.

2. Cha ngài, Mario Jorge, di cư từ vùng Piedmont của Italia tới Argentina.

3. Tân Giáo hoàng thành tạo tiếng Italia, Đức, Tây Ban Nha. Ngài cũng nói được tiếng Anh, Pháp, Bồ Đào Nha dù không trôi chảy và và một chút thổ ngữ Piedmont.

4. Ngài từng bị cắt một lá phổi thời thiếu niên vì bị nhiễm trùng.

5. Giáo hoàng Francis yêu thích nhạc tango. “Tôi yêu tango và thường khiêu vũ thời còn trẻ”, ngài từng nói với Francesca Ambrogetti và Sergio Rubin, tác giả cuốn hồi ký “El Jesuita” năm 2010 của ngài.

6. Ngài từng có bạn gái khi còn trẻ. “Cô ấy nằm trong nhóm bạn mà tôi từng khiêu vũ cùng. Nhưng sau đó tôi nhận ra niềm đam mê với tôn giáo”, Giáo hoàng Francis tiết lộ với Ambrogetti và Rubin.

7. Ngài từng làm vệ sĩ gác cửa tại một quán bar ở Buenos Aires để kiếm tiền thời còn là sinh viên.

8. Giáo hoàng Francis là fan cuồng nhiệt của câu lạc bộ bóng đá San Lorenzo, một đội bóng ở Buenos Aires. Năm 1972, San Lorenzo là đội bóng Argentina đầu tiên từng giành hai chức vô địch trong một năm.

9. Bức họa yêu thích của ngài là “White Crucifixion” (Chúa bị đóng đinh vào thập giá màu trắng), do Marc Chagall vẽ năm 1939.

10. Bộ phim yêu thích của ngài là “Babette’s Feast”, một bộ phim của Đan Mạch sản xuất năm 1987.

11. Ngài từng nghiên cứu triết học tại Đại học Công giáo Buenos Aires và cũng có bằng thạc sĩ hóa học tại Đại học Buenos Aires.

12. Giáo hoàng Francis từng giảng dạy văn học, tâm lý, triết học và thần học trước khi trở thành tổng giám mục của Buenos Aires.

13. Ngài là đồng tác giả cuốn sách “Sobre el Cielo y la Tierra” (Trên thiên đường và Trái đất).

14. Ngài đảm nhiệm chức tổng giám mục của Buenos Aires từ 1998-2013. Trong thời gian làm tổng giám mục, ngài đã trở thành tấm gương cho người khác với lối sống khiêm nhường, tránh mọi sự xa hoa.

15. Giáo hoàng Francis thường sử dụng phương tiện công cộng thay vì taxi hoặc xe riêng để đi lại quanh Buenos Aires. Ngài sống trong một căn hộ nhỏ với một linh mục nhiều tuổi hơn và tự nấu ăn.

16. Ông được Giáo hoàng John Paul tấn phong làm hồng y năm 2001.

17. Trong mật nghị bầu giáo hoàng năm 2005 mà ngài được xem là ứng viên sáng giá. Giáo hoàng Francis được cho là trở thành nạn nhân của một chiến dịch bôi nhọ của những người khác, vốn cáo buộc rằng ngài không bao giờ cười.

18. Giáo hoàng Francis thường bay tới Rome bằng vé máy bay hạng phổ thông.

19. Francis là giáo hoàng đầu tiên không phải người châu Âu kể từ thời Gregory III, người sinh ra tại vùng đất là Syria ngày nay và được bầu làm giáo hoàng năm 731.

20. Ngài lấy tước hiệu là Giáo hoàng Francis chứ không phải Francis I. Giải thích về điều này, phát ngôn viên Vatican Federico Lombardi nói: “Sẽ là Francis I nếu chúng ta có Francis II”.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 18-3-2013)

Chân dung Giáo hoàng Francis trên bìa tạp chí Mỹ Time đề ngày 23-3-2013.