Thứ Sáu ngày 29 tháng 3 năm 2024

Buổi trưa ở nhà hàng Trịnh làm quen với gia đình chip di động Qualcomm Snapdragon

 

Trưa nay tôi đội cái nắng nóng Saigon đầu tháng Tư chạy tới nhà hàng Trịnh trên đường Phạm Ngọc Thạch (Q.3, TP.HCM) để ăn trưa với anh Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Đông Dương, cùng với hai bạn đồng nghiệp Trần Vương Thuận (tạp chí Tin học & Đời sống) và Bá Huy (báo Pháp luật TP.HCM).

Tôi và Nam có nhiều năm quen và làm việc với nhau từ thời anh còn làm ở Intel Việt Nam. Đây là lần đầu tiên hai anh em gặp lại nhau sau khi Nam về làm cho Qualcomm, phụ trách thị trường 3 nước: Việt Nam, Lào và Campuchia.

Thiệt tình tơi không rõ Qualcomm chính thức có chi nhánh ở Việt Nam cách đây bao lâu, nhưng hãng sản xuất chip này đã có mặt trong vô số thiết bị, nhất là thiết bị di động, trên thị trường Việt Nam từ rất lâu rồi. Từ 2 năm trở lại đây, khi thị trường di động trở thành một xu hướng thời đại và bắt đầu có thêm một số đại gia làng chip tham gia (như Intel), Qualcomm quyết định chuyển hướng từ quan hệ thị trường theo hình thức với các doanh nghiệp đối tác B2B (business-to-business) sang với người tiêu dùng đầu cuối B2C (business-to-consumer). Nhiệm vụ của chi nhánh Qualcomm Đông Dương là hỗ trợ các hãng đối tác (có thiết bị chạy chip Qualcomm) tăng cường bán hàng và hình thành nhu cầu di động 3G ở 3 thị trường nhiều tiềm năng này.

Qualcomm Incorporated là một công ty bán dẫn toàn cầu của Mỹ, thành lập tại San Diego (bang California) năm 1985, và hiện có 157 chi nhánh trên thế giới. Đây là công ty mẹ. Hai công ty con đảm đương hai loại hình kinh doanh chính của Qualcomm là Qualcomm Technology Licensing Division (QTL) quản việc cấp phép CDMA/3G và 4G, và Qualcomm Technologies, Inc. (QTI) quản tất cả các hoạt động R&D cũng như các kinh doanh sản phẩm và dịch vụ của Qualcomm, trong đó có doanh nghiệp bán dẫn và công nghệ CDMA. Ra đời từ một cuộc họp trong một căn phòng nhỏ chỉ có 7 nhân mạng, trong đó có Irwin Jacobs – cựu sinh viên Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và giáo sư Đại học UC San Diego cùng bạn đồng môn MIT Addrew Viterbi, tới nay Qualcomm đã có một đội ngũ đông hơn 26.000 người và trở thành nhà cung cấp hàng đầu thế giới về công nghệ và thiết bị không dây.

Anh Nam cho biết, Qualcomm là chủ sở hữu công nghệ di động CDMA/3G, một phần công nghệ 4G/LTE, và tới công nghệ di động tiếp đó là LTE Advanced, Qualcomm lại nắm ưu thế. Hiện nay, hoạt động cấp giấy phép 3G chiếm tới 70% tổng lợi nhuận của Qualcomm, trong khi hoạt động chế tạo chip tuy chiếm tới 70% doanh thu nhưng chỉ chiếm 30% lợi nhuận. Hồi cuối năm 2008, Nokia từng tuyên bố sẽ trả một lần 2,29 tỷ USD cho Qualcomm để có giấy phép sử dụng công nghệ CDMA. Nhằm tạo thuận lợi cho đối tác và giúp giảm giá thành thiết bị đầu cuối, Qualcomm chỉ thu phí giấy phép ở mức 3G đối với các thiết bị hay chip nào hỗ trợ multi-mode (3G/4G).

Qualcomm xác định lĩnh vực kinh doanh của mình là thị trường công nghệ di động. Hàng năm hãng chi tới 4 tỷ USD cho hoạt động nghiên cứu và phát triển. Bên cạnh việc phát triển các thế hệ chip mới, Qualcomm còn nghiên cứu phát triển những thành phần phụ trợ hay hợp thành thiét bị di động nhằm ngày càng tối ưu hóa sức mạnh và khả năng của chip Qualcomm tích hợp bên trong. Thí dụ như giảm mức tiêu hao pin, công nghệ sạc pin cực nhanh, sạc pin không dây, màn hình chất lượng cao nhưng ít tiêu tốn năng lượng,….

Hãng cũng đầu tư vào công nghệ nội dung số và dịch vụ số trên nền di động trong chiến lược tạo ra nhu cầu sử dụng thiết bị di động 3G/4G.

Theo anh Nam, để phát triển thị trường di động cần 3 yếu tố chính: thiết bị đầu cuối rẻ, giá cước hợp lý và nội dung di động phong phú. Tất nhiên chất lượng và phạm vi phủ sóng của nhà mạng vẫn là cơ bản.

Chế tạo chip xử lý cho máy tính khác với chip cho thiết bị di động. Trong khi ở máy tính, CPU là chip đơn, chủ yếu là sức mạnh xử lý dữ liệu và các lệnh; còn chip của thiết bị di động phải đảm trách nhiều nhiệm vụ, hoạt động với dạng SoC (system on chip). Nó không cần sức mạnh xử lý như CPU máy tính, nhưng ngoài nhiệm vụ xử lý dữ liệu còn phải lo xử lý đồ họa, hỗ trợ các ứng dụng phần mềm (app), kết nối mạng, quản lý điện năng,… Trong lĩnh vực bán dẫn, Qualcomm đã xây dựng được một thương hiệu nổi danh là gia đình chip Snapdragon – một nền tảng cho các smartphone, tablet và smartbook. Hai chipset đầu tiên trong gia đình Snapdragon là QSD8250 và QSD8650 ra đời quý 4-2008 (tiếp sau dòng chip mã hiệu MSM7xxx ). Hai chip nguyên thủy (Scorpion) này là thiết kế riêng của Qualcomm, được đánh giá là có nhiều tính năng tương tự của nhân ARM Cortex-A8, mà thật sự nó cũng dựa trên bộ lệnh ARM v7. Qua bàn tay “bùa phép” (customise) của Qualcomm, chip này có khả năng chạy các ứng dụng SIMD liên quan tới multimedia tốt hơn. Đây là 2 chip cuối cùng của dòng Snapdragon S1. Các chip Snapdragon sau này cũng dựa trên nhân và tập lệnh ARM nhưng được Qualcomm chỉnh sửa cho vừa khác đi, vừa hỗ trợ tốt hơn các tính năng mà hãng mong muốn. Tất cả các chip Snapdragon từ đời S1 tới nay đều được tích hợp mạch giải mã video HD 720p hay 1080p. Công nghệ xử lý đồ họa GPU Adreno cũng được Qualcomm tích hợp vào chip Snapdragon. GPU Adreno 225 có trong Snapdragon S4 SoC hỗ trợ DirectX 9/Shader Model 3.0 và tương thích với hệ điều hành Windows 8.

Dòng chip Snapdragon S4 Dual-core và Quad-core công nghệ 28nm mới nhất của Qualcomm có trong các smartphone như LG Optimus G, Sharp Aquos Phone Zeta SH-02E, Asus Padfone 2, HTC J Butterfly, HTC Droid DNA, Nexus 4, ZTE Nubia Z5, Sony Xperia Z, Sony Xperia ZL,ZTE Grand S, HTC Windows Phone 8S, Nokia Lumia 620, Nokia Lumia 520, Nokia Lumia 720, Samsung Galaxy Express, LG Optimus F5, Lenovo IdeaTab S2110, Samsung Ativ Tab, Dell XPS 10 Tablet, Asus Padfone, HTC One S (Z520e),Sony Xperia T, Sony Xperia TX, HTC Windows Phone 8X (EU/HSPA Version), Asus Transformer Pad Infinity (3G), Acer CloudMobile S500,Vertu Ti,…

Smartphone Samsung Galaxy S Relay 4G sử dụng CPU Qualcomm Snapdragon S4 dual-core 1,5GHz 32-bit (ARM V7 Architecture) và GPU Qualcomm Adreno 225.

Chân thành chúc anh Thiều Phương Nam thành công trong cương vị và môi trường làm việc mới. Tôi nói đùa: “Nam là người có duyên với chip. Thời máy tính lên ngôi thì làm với chip Intel. Vào thời di động thì gắn với chip Qualcomm.” Cho dù tới nay Qualcomm vẫn đứng hàng đầu về chip di động, nhưng hãng đang gặp những thách thức lớn khi có thêm những đại gia chip nhảy vào thị trường thời đại này. Trước đây, người tiêu dùng đầu cuối không quan tâm tới con chip gì bên trong thiết bị mà chỉ chú trọng tới thương hiệu và model của thiết bị đó. Nhưng một khi các đại gia như Intel có mặt, người ta sẽ bị cuốn hút theo từng thế hệ chip như trước nay vẫn xảy ra trong thị trường máy tính. Tổng giám đốc Qualcomm Đông Dương Thiều Phương Nam đồng cảm với tôi khi nói rằng: một trong những nhiệm vụ chính của anh là quảng bá cho nhiều người biết tới thương hiệu, các con chip và các giải pháp di động của Qualcomm. Tôi nói với Nam: khi nào người ta vì kết model với một con chip mới của Qualcomm mà háo hức mua một thiết bị di động mới là em thành công!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 5-4-2013)