Thứ Sáu ngày 29 tháng 3 năm 2024

Mùng Hai Tết của tôi

140201-phphuoc-munghai-tetgiapngo-08_resize

 

Gia tài trong cuốn lịch bloc một năm 365 tờ chỉ có 3 tờ lịch Tết, tới bữa nay mùng Hai Tết (1-2-2014), tôi đã xài 2 tờ rồi. Kẻ bi quan ắt than là “đã hết 2 tờ”, còn người lạc quan hí hửng “còn tới 1 tờ”. Tôi là người theo thuyết trung dung (hỗng phải là kẻ ba phải đâu à nghen), nên nói là “đã xài 2 tờ”. Nếu nói theo dân toán học có tâm hồn văn chương là “đã qua 2 phần 3 cái Tết”.

Tôi đã làm gì trong ngày mùng Hai Tết Giáp Ngọ 2014?

Tối qua, tôi mở các đoạn video ghi được tại Đường Hoa Nguyễn Huệ (Saigon) bữa 29 Tết để chọn lọc, cắt xén, rồi dàn dựng thành một video clip hoàn chỉnh. Công đoạn rending mất gần 2 tiếng đồng hồ, hoàn tất thì đồng hồ đã qua con số 12 giờ khuya. Mắt díu cả lại, tôi kiểm tra sơ sơ rồi bắt đầu upload lên kênh YouTube của mình. Thấy báo là mất 140 phút (nhà tôi xài cáp quang à nghen), tôi để đó cho nó làm gì thì làm, còn mình gieo cái tấm thân 62kg lên nệm mà tiếp tục du Tiên. Tới hơn 3 giờ sáng, giựt mình cái đụi hồi dương, thấy YouTube báo đã hoàn tất upload, tôi bèn nhấn nút Publish để bắt đầu công đoạn xử lý cuối cùng. Tỉnh tỉnh một chút nên coi lại file video gốc, mới tá hỏa phát hiện bị lỗi, dài hơn nguyên thủy tới hơn 30 phút. Coi như công cốc, đành cancel mà “tắt đèn làm lại”. Hì hụi làm tới làm lui mãi tới xế chiều mùng Hai, tôi mới đưa xong video clip dài hơn 50 phút lên YouTube phục vụ bà con xa gần. Mục đích chính của tôi là để giúp những người không có điều kiện đi chơi Đường Hoa (chủ yếu do về quê ăn Tết hay đang định cư ở nước ngoài) có thể cảm nhận được một trong những nét văn hóa lâu năm của Saigon dịp Tết. Coi như “chia sẻ cho nhau chút lộc Trời” đó mà!

Bữa nay tôi là nhân vật độc diễn trong bộ phim Home Alone (Ở nhà một mình) version 2014. Mọi người khác đã đi ăn Tết bên nhà người thân. Nói là một mình thì cũng không chính xác lắm, bởi còn có nhóc Cún Pom Pom nữa. Nó đã ở đây 4 năm rồi, cứ coi như một thành viên của ngôi nhà, cho dù hỗng có tên trong hộ khẩu (nhưng nó có sổ lý lịch do Thú y cấp hẳn hoi à nghen, thậm chí trong đó còn ghi rõ: “Quốc tịch: Nước ngoài” mới oách chớ).

Là một “net-citizen” (công dân Net), dĩ nhiên cuộc sống chính của tôi là ở trong không gian điều khiển học (Cyber-space). Mặc dù là thế giới ảo (virtual world), nhưng với đặc điểm thời gian thực (real-time) và những công nghệ tiên tiến mới nhất, Internet trở thành một môi trường thực tế ảo (virtual reality) mà con người có thể sống, giải trí và làm việc như trong đời thực, thậm chí còn tiện lợi, nhanh chóng và hiệu quả hơn nhiều lần. Tuy nhiên, tôi luôn tâm đắc với những lời khuyến cáo trước nay của các nhà nghiên cứu, mà mới nhất vừa được Đức Giáo hoàng Francis nhắc nhở trong Ngày Truyền thông Thế giới năm nay trùng ngay bữa đưa ông Táo về Trời (23-1-2014) rằng: Với Internet – “món quà của Chúa dành cho nhân loại”, “việc kết nối trên thế giới ảo phải phát triển thành những cuộc gặp mặt thật sự.” Trong bài viết trên tạp chí e-CHIP M Xuân Giáp Ngọ, tôi có viết: “Các chuyên gia lâu nay đã cảnh báo rằng smartphone – đặc biệt khi có kết nối Internet – có thể giúp mở rộng các mối kết nối ảo nhưng lại giảm đi các sự nối kết thật.” Tôi nghĩ rằng người ta có thể dùng thực tế ảo để giải quyết những vấn đề của đời thực và giúp tăng cường thêm những mối quan hệ thực tế, nhưng sẽ là lợi bất cập hại nếu như bị sa đà hay lạm dụng thực tế ảo để biến những mối quan hệ thực tế thành những mối quan hệ ảo; thay vì phát triển được mối quan hệ con người với con người, lại bị biến hình thành mối quan hệ con người với máy tính. Những người sáng lập ra Internet hay thế giới ảo chắc chắn sẽ “like mạnh” nếu như người ta có thể chuyển những mối quan hệ từ ảo thành thật, tất nhiên ở đây chỉ nói về những quan hệ tốt đẹp cho tất cả.

140201-phphuoc-munghai-tetgiapngo-04_resize

Còn đây là chuyện thực tế 100%. Chiếc bánh chưng hồi sáng mùng Một Tết được tôi chia thành 4 phần, gọi là 4 “góc tư”. Một góc tư đó đã nằm trong bao tử tôi trong bữa ăn sáng đầu tiên của năm Giáp Ngọ. Sáng mùng Hai có thêm một góc tư bánh chưng nữa được tôi “nhập khẩu”. Tới trưa, thêm một góc tư nữa được chuyển hóa thành năng lượng nuôi sống cỗ máy con người mang tên PHP. Và vào giữa trưa mùng 2 Tết Giáp Ngọ, tôi đã mượn bài hát “Chỉ chừng đó thôi” của nhạc sĩ Phạm Duy để giãi bày rằng tôi đã đủ ngán bánh chưng cho tới tận… Tết Ất Mùi 2015!

Ở nhà một mình, tôi “vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm” (dù sao tôi cầm tinh Đinh Dậu mà) tí tởn với mấy hoa quả bày Tết. Nhìn một cặp quất bự đột biến, một cặp bưởi, một cặp dưa hấu… tất cả đều tròn tròn, múp míp căng tràn nhựa sống, tôi không thể kềm lòng bưng chúng từng cặp một lên trước ngực mà chiềng làng cùng bà con trên Net. Thiệt tình là tôi bối rối, khó xử quá, ngày mùng Hai Tết chẳng biết phải chọn cỡ nào cho nó hên trong năm Giáp Ngọ?

140201-phphuoc-munghai-tetgiapngo-05b_resize

140201-phphuoc-munghai-tetgiapngo-06b_resize

140201-phphuoc-munghai-tetgiapngo-07b_resize

Cuối cùng, vốn bẩm sinh luôn sẵn sàng hiến thân cho tha nhân và chẳng hề muốn làm ai phải buồn vì mình, tôi đã quyết định chọn cả ba. Bây giờ phát sinh câu hỏi mới: vậy có tham lắm không? Thôi thì, hên xui!

Trong khi vừa lang thang trên Net, vừa làm việc trên máy tính, tôi vừa xem trên tivi chương trình văn nghệ Thúy Nga Paris by Night 110 có chủ đề “Phát Lộc đầu năm” phát hành dịp Tết Giáp Ngọ, với độ dài của tới 3 đĩa DVD, hơn 5 tiếng đồng hồ. Hiện nay trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại còn 3 trung tâm sản xuất các chương trình văn nghệ với 3 đặc điểm khác nhau. Có lẽ chưa chính xác lắm, nhưng tôi tạm phân biệt: Thúy Nga được đầu tư dàn dựng rất công phu dành cho những người nghiêm túc và trí thức, có ý hướng duy trì và phổ biến âm nhạc và văn hóa truyền thống Việt; Vân Sơn dành cho quảng đại công chúng và mang tính giải trí là chính; và Asia dung hòa hai dòng văn nghệ này nhưng mang màu sắc chính trị.

Có một điều đáng nói là trong thời gian sau này, các doanh nghiệp ở Việt Nam ngày càng chiếm ưu thế áp đảo trong số những nhà tài trợ và quảng cáo trên những chương trình văn nghệ hải ngoại, đặc biệt là Thúy Nga. Thậm chí có một số doanh nghiệp trong nước còn là nhà tài trợ chính cho cả một chương trình. Thí dụ Lụa Thái Tuấn đã có ít nhất 2 lần, và Yến sào Viet Health Food bao dàn cho Thúy Nga mới nhất (110). Phải nói rằng chính các doanh nghiệp Việt này đã ra tay “chuộc lỗi” cho những khán giả Việt xưa nay chuyên xài băng đĩa lậu, vì sự tài trợ của họ góp phần duy trì các chương trình này.

Nghĩ cũng là chơi nổi có tiếng kiểu “xả láng sáng về sớm”. Trước nay trong tiết mục doanh nghiệp tặng quà (chủ yếu là tiền mặt) cho khán giả đang trực tiếp xem chương trình Thúy Nga tại sân khấu, mức tiền chỉ 200-300 USD, cao lắm cũng là 500 USD. Nhưng mấy doanh nghiệp trong nước khi tham gia đã “phá giá”, bét nhất cũng 500 USD, còn thường là 1.000 USD, thậm chí có cơ sở chi bạo tới 2.000 USD. Tất nhiên các doanh nghiệp hải ngoại muốn chơi tiếp thì phải ráng mà đua theo. Kết quả, khán giả được lợi!

Nhưng thực tế là các doanh nghiệp này rất thức thời, vì quảng cáo trên các chương trình văn nghệ này cực kỳ có hiệu quả kinh tế. Chúng có rất đông khán giả trong cộng đồng khoảng 5 triệu người Việt đang sống ở hơn 104 nước và vùng lãnh thổ, cũng như một khối lượng khán giả khổng lồ trong 90 triệu người trong nước. Chẳng có một tờ báo hay đài truyền hình nào có thể sánh nổi.

Môi trường và tình hình mới đã mở ra những cơ hội mới mà các doanh nghiệp phải có những kiểu thức kinh doanh mới. Người Việt ở hải ngoại biết được các sản phẩm và dịch vụ trong nước để mình sử dụng khi về thăm quê nhà hay order sử dụng ngay (nếu cơ sở không có đại lý ở nước ngoài thì cũng có thể nhờ bà con trong nước mua rồi gởi express qua). Nếu muốn tặng quà cho ai đó trong nước, người Việt ở hải ngoại cũng có thể đặt hàng, thanh toán để doanh nghiệp chuyển giao tới tận nhà cho người nhận. Tết này, gia đình ông anh tôi ở tuốt một vùng sâu, vùng xa ngày xưa gọi là “hóc bà tó” giữa Đồng Tháp Mười được Điện máy Nguyễn Kim tại Saigon chở tới tận nhà lắp ráp một chiếc TV hàng hiệu to đùng do vợ chồng con gái ở Canada mua tặng cha mẹ với giá được khuyến mãi rẻ tới không ngờ. Làm ăn kiểu mới trong thời hội nhập quốc tế là như vậy đó!

140201-phphuoc-munghai-tetgiapngo-13_resize

Cây mai nhà tôi hôm mùng HaiTết đã nở thêm một vài bông. Có nhiều nụ xanh mum múp đang hàm tiếu sẽ nở tiếp. Mai nở lai rai đem lại hy vọng may mắn lai rai – có mà xài hoài, có còn hơn không!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon mùng Hai Tết Giáp Ngọ, 1-2-2014)