Thứ Sáu ngày 29 tháng 3 năm 2024

Cô giáo mà học trò trường Trương Vĩnh Ký gọi là “Má Bích”

150702-mgyenthibich-gvtvky-01_resize

 

Có mặt trước cổng điểm thi 13 của Đại học Sư phạm TP.HCM tại trường Ttung học phổ thông Nguyễn Thị Diệu (quận 3) trước giờ thí sinh tập trung khoảng 1 giờ vào mỗi buổi thi, cô giáo Nguyễn Thị Bích, chủ nhiệm khối 11 của trường THPT Trương Vĩnh Ký điểm danh các học trò trường mình đi thi. Cô kiểm tra và nhắc nhở các em có đem đủ giấy tờ học cụ không. Khi thấy em nào tới trễ quá, cô gọi điện ngay cho phụ huynh hỏi thăm.
Trưa ngày thi đầu tiên 1-7-2015, vào đầu giờ thi chiều, trời đổ mưa tầm tã, cô đội mưa chờ học sinh. Một chị phụ huynh kể lại đầy xúc động.
Cô giáo Bích nói đây là việc nhà trường làm từ mấy năm qua. Trường tổ chức ôn tập cho học sinh 12 tới tận ngày thi. Giáo viên các môn sẵn sàng giải đáp các thắc mắc về môn học cho các em. Các kỳ thi học kỳ cũng làm vậy mà. Các thầy cô được phân công trực tại các điểm thi có học sinh của trường thi để chăm sóc các em trong sự kiện quan trọng cuối cùng sau 12 năm phổ thông.

150702-thitotnghiep-hcm-08_resize

Tôi có hỏi một số phụ huynh thì họ rất thích cách làm này. Các em học sinh cũng xúc động và thấy ấm lòng, thêm tự tin.

Tất nhiên do có cơ duyên nên tôi gặp được cô Bích. Ngày 1-7, tôi đã ngạc nhiên khi thấy một phụ nữ mặc bộ váy công sở màu gụ đứng trước cổng trường ghi tên một số thí sinh tới thi. Tôi nghĩ có lẽ đó là một cô giáo làm công việc đưa các em đi thi. Tất nhiên hình ảnh mà tôi thấy thú vị này không thể lọt ra khỏi ống kính của một kẻ nhiều chuyện như tôi. Qua ngày thi thứ hai, tôi gặp lại người phụ nữ đó, hôm nay trong bộ váy công sở màu xanh lá đậm. Đã có duyên gặp 2 lần thì phải hỏi chuyện thôi. Nhờ vậy mà tôi biết được truyền thống chăm lo học sinh như cha mẹ lo cho con cái của trường Trương Vĩnh Ký suốt nhiều năm nay. Nghe nói chuyện thầy cô tới chăm sóc học sinh tại các điểm thi có từ năm 2001.

150702-thitotnghiep-hcm-14_resize

Cô giáo Bích và tác giả.

Như vậy ngoài cô Bích còn nhiều thầy cô khác của trường Trương Vĩnh Ký trực tại những điểm thi khác mà tôi không có cơ duyên được gặp. Xin coi những dòng này như một lời tri ân quý thầy cô đó.

Tôi cũng hiểu rằng không phải đây là chuyện độc quyền của trường Trương Vĩnh Ký. Có nhiều trường khác và nhiều thầy cô khác bao năm nay vẫn thể hiện tinh thần trách nhiệm với nghề giáo của mình và tấm lòng thương yêu đối với các học sinh của mình. Các thầy cô đều muốn làm sao cho các học sinh của mình học hành thành tài, trước hết là đạt kết quả thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng tốt. Đó không phải chỉ là kết quả của những nỗ lực giảng dạy của các thầy cô mà còn là thành quả cuối cùng và cao nhất của 12 năm học phổ thông của các học sinh. Hơn ai hết, đặc biệt là trong môi trường giáo dục ở Việt Nam, thầy cô hiểu tầm quan trọng của kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh đại học đối với cuộc đời của học sinh. Áp lực của 12 năm đèn sách đè nặng lên những tâm hồn non nớt và những đôi vai nhỏ bé của các em. Chỉ cần sơ sẩy một chút là 12 năm đèn sách, tốn biết bao công sức và tiền bạc của cha mẹ, biết bao công sức dạy và học của thầy trò, sẽ vỡ tan như bong bóng xà bông.

Có một số người vì lý do nào đó không thích sự chăm lo cho học sinh chu đáo tới từng chi tiết như thế. Theo họ, phải để học sinh tự đi lên bằng đôi chân của mình. Họ không hề sai, nhưng học sinh Việt Nam ngày nay ngay từ nhà trẻ đã không được dạy để có thể tự lập (khác hẳn môi trường giáo dục ở miền Nam trước năm 1975). Số ít những bạn tự lập tốt chủ yếu do hưởng huê lợi từ nền tảng gia đình. Nhất là trong thực tế xã hội ngày nay mỗi gia đình chỉ có 1 hay 2 đứa con, toàn là những đứa con cầu tự, những công chúa, hoàng tử. Trẻ được cha mẹ nâng niu rồi bắt buộc nhà trường cũng phải chăm sóc chúng như vậy. Hậu quả là dù đã học lớp 11, 12, rất nhiều học sinh chỉ có cái thân xác là ở tuổi 17, 18 mà thôi. Vậy là làm sao cha mẹ và thầy cô có thể buông cho chúng “học đi” ngay vào thời điểm quyết định cuộc đời chúng này.

Hơn nữa, theo tôi hiểu, ở đây không phải là chuyện chiều chuộng học sinh. Đó thật sự là trách nhiệm và tấm lòng của thầy cô. Nó là một sự nhất quán có bề dày chứ không chỉ chỉ phát tiết màu mè vào mùa thi đâu.
Ước gì trường nào cũng làm được như Trương Vĩnh Ký, thậm chí còn hay hơn nữa.

 

Cô giáo Bích nói rằng sau khi các học sinh thi xong, cô mới về quê ở Càng Long (Trà Vinh) nghỉ hè. Cô cho biết sau khi tôi nhiều chuyện trên Facebook, cô đã tìm lại được quá chừng nhiều học sinh cũ của mình – những bạn trìu mến gọi cô là “Má Bích”. Đó thật sự là một điều hạnh phúc đối với một nhà giáo. Có một bạn phóng viên của một tờ báo điện tử biết chuyện đã xin tôi số phone của cô Bích. Khi tôi điện hỏi ý kiến của cô, cô Bích đã cẩn thận nói cho cô xin ý kiến của ban giám hiệu nhà trường rồi mới quyết định. Cô phân trần nếu chỉ nói về cô thì không có gì, nhưng vì nói tới chuyện của trường nên phải được sự cho phép của trường.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 2-7-2015)

Có thể đọc thêm bài trên báo điện tử Infonet: “Má Bích” lại đưa học trò đi thi.

150701-thitotnghiep-hcm-01_resize

Cô giáo Bích (mặc váy màu gụ) trong ngày thi đầu tiên (1-7-2015).

150702-mgyenthibich-gvtvky-02_resize

Cô giáo Bích trong ngày thi thứ hai (2-7-2015).

150702-thitotnghiep-hcm-01_resize

150702-thitotnghiep-hcm-03_resize

150702-thitotnghiep-hcm-04_resize

150702-thitotnghiep-hcm-05_resize

150702-thitotnghiep-hcm-07_resize

 

Xin mời xem video:  Thầy cô trường THPT Trương Vĩnh Ký (TP.HCM) cùng đi thi tốt nghiệp với học trò