Thứ Ba ngày 23 tháng 4 năm 2024

Đối thoại an ninh Shangri-La 2016 khép lại với quyết tâm “bất chấp” của Bắc Kinh

 

Cuộc Đối thoại An ninh châu Á thường niên Shangri-La 2016 ở Singapore đã kết thúc ngày Chủ nhật 5-6-2016 sau 2 ngày làm việc được đánh giá là căng thẳng và cực nóng. Tất cả bắt nguồn từ thái độ quyết chí không khoan nhượng của Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Đông.

Hãng tin Pháp AFP (5-6-2016) cho biết Bắc Kinh đã lên án “những sự khiêu khích” của Mỹ ở Biển Đông (quốc tế gọi là South China Sea, hay Biển Nam Trung Hoa). Bắc Kinh cũng tuyên bố họ không sợ xảy ra rắc rối (trouble) ở các vùng biển đang tranh chấp chủ quyền.

Trên bục diễn đàn, Đô đốc Trung Quốc Sun Jianguo tuyên bố: “Vấn đề Biển Đông (tất nhiên ông ta không dùng tên này) đã trở nên quá nóng vì những sự khiêu khích của những nước nào đó nhằm những lợi ích ích kỷ cho bản thân của mình.” Ông này đã lên tiếng sau khi vào ngày hôm trước, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter nói rằng bất cứ việc xây dựng nào của Trung Quốc trên một hòn đảo nhỏ gần Philippines đều sẽ thúc đẩy Mỹ và những nước khác có những hành động không thể nói trước được.

Trong chuyến thăm Mông Cổ ngày 5-6-2016, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry cũng đã khuyến cáo chống lại việc Bắc Kinh có âm mưu thiết đặt một vùng nhận diện phòng không (air defence identification zone, ADIZ) trên các vùng biển đang có tranh chấp. Ông Kerry nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ coi một khu vực ADIZ áp đặt trên các vùng của Biển Đông như một hành động khiêu khích và gây bất ổn. ” Ngoại trưởng Hoa Kỳ nói rằng: “Chúng tôi tin rằng sẽ là điều then chốt việc không có bất cứ nước nào đơn phương tìm cách quân sự hóa khu vực này.”

Đô đốc Sun Jianguo, người đứng đầu đoàn đại biểu Trung Quốc dự Đối thoại Shangri-La 2016, nhấn mạnh các cuộc tuần tra bằng tàu chiến và máy bay quân sự của Mỹ ở vùng biển này là một sự thể hiện “cơ bắp quân sự” và Trung Quốc đang bị buộc phải “chấp nhận” quy định của diễn đàn này. Ông này nói rõ: “Trung Quốc kiên quyết phản đối hành vi như vậy. Chúng tôi không gây ra rắc rối, nhưng chúng tôi không hề sợ rắc rối.”

Đô đốc Trung Quốc cho biết: “Chúng tôi không biệt lập trong quá khứ. Chúng tôi không phải đang biệt lập, và chúng tôi sẽ không biệt lập trong tương lai. Thật sự là tôi lo ngại khi có một số người và một số nước vẫn đang còn nhìn Trung Quốc với một tâm thế và định kiến thời Chiến tranh Lạnh.”

BBtS6j5

Trong một ảnh tư liệu ngày 20-1-2016, tàu khu trục Mỹ USS William P. Lawrence đang chờ được một tàu chở dầu (bến trái đằng xa) tiếp nhiên liệu khi chạy ngang Biển Đông. Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

Như có vẻ muốn ám chỉ mối quan hệ giữa Philippines và Mỹ, ông Sun cáo buộc rằng: “một số bá chủ đã lên gân cốt cho những nước nhỏ để thực hiện những hành động khiêu khích những nước lớn.”

Theo một báo cáo của Lầu Năm góc Mỹ, cho tới nay Trung Quốc đã bồi đắp thêm hơn 1,295 hecta đất cho 7 hòn đảo nhỏ mà nước này đã chiếm đóng trong quần đảo Trường Sa.

Không chỉ có Mỹ là nước bên ngoài tham gia vấn đề Biển Đông. Bộ trưởng Quuốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian cũng đã tuyên bố trên diễn đàn Đối thoại an ninh Shangri-La 2016 rằng Liên minh châu Âu (EU) có một nguyên tắc là duy trì tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông. Ông cho biết ông sẽ nói với các đồng cấp của mình ở EU về vấn đề này.

P.H.P.