Thứ Sáu ngày 19 tháng 4 năm 2024

No Bra Day còn là ngày No Breast Cancer

 

 

Ngày No Bra Day (tạm dịch là Ngày phụ nữ thả rông) thứ Sáu 13-10-2017 này không phải chỉ có ý nghĩa (có khi là không chính thức đâu) là phụ nữ cần được giải thoát, được tự do – bắt đầu từ cái áo ngực. Ở Anh, ngày này rơi vào giữa Tháng Nhận thức về bệnh ung thư ngực (Breast Cancer Awareness Month) nên được coi như một điểm nhấn.

Ngày No Bra Day ở Anh không phải chỉ là ngày phụ nữ làm cho cánh đàn ông phải thất điên bát đảo, muốn nổ cả con ngươi, “đứng ngẩn trông vời áo ngực ai” (ngàn lần xin lỗi nhà thơ Huy Cận khi tôi “biến thái” câu thơ “Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ” của ông).

Ngày nhận thức về ung thu ngực này được phát động ở Anh từ năm 2011 và ngày càng được mở rộng. Nhiều chị em đã dùng hashtag #nobraday trên các mạng xã hội để hỗ trợ cuộc vận động này.

Mục đích của ngày là nâng cao sự nhận thức của mọi người, đặc biệt là phụ nữ đối với một loại bệnh thường gặp của giới mình. Nó giúp họ hiểu được sự quan trọng của việc tự mình tầm soát, kiểm tra các dấu hiệu của ung thư ngực càng sớm càng tốt, cũng như đều đặn đi tới các bệnh viện để kiểm tra định kỳ “dual-cam” của mình.

Ung thư ngực (breast cancer) là bệnh ung thư phổ biến nhất ở Anh, có khoảng 50.000 phụ nữ Anh mắc bệnh mỗi năm. Bình quân cứ trong mỗi 8 người phụ nữ Anh thì có 1 người phát bệnh ung thư ngực vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời mình. Từ đầu thập niên 1990 tới nay, tỷ lệ bị ung thư ngực ở Anh đã tăng 1 phần 5 (khoảng 19%).

Còn trên bình diện thế giới, ung thư ngực cũng là chứng bệnh ung thư phổ biến nhất trong phụ nữ, chiếm tới 25% trong các loại bệnh ung thư ở phụ nữ. Hiện nay đây là bệnh hiểm (malignant disease) đang gia tăng nhanh nhất ở Ấn Độ (nước đông dân thứ nhì thế giới với hơn 1,3 tỷ dân, trong đó gần 1 nửa là phụ nữ). Theo một nghiên cứu gần đây, ung thư ngực có thể giết chết tới 76.000 phụ nữ Ấn Độ một năm. Nó đã giết chết 70.000 người trong năm 2012. Theo nghiên cứu của Khoa Sức khỏe Công cộng của Đại học Harvard (Mỹ), Ấn Độ có thể bị mất tới 20 tỷ USD giá trị sản lượng kinh tế từ năm 2012 tới 2030 do bệnh ung thư ngực.

Tin vui là ngày nay, việc chẩn đoán tốt hơn, việc chữa trị được cải thiện, các chương trình tầm soát và các chiến dịch nhận thức công chúng hữu hiệu hơn đã giúp ích rất nhiều cho những người bị ung thư ngực. Theo Cơ quan Y tế Quốc gia (National Health Service) Anh, có tới hơn 8 phần 10 số phụ nữ bị ung thư ngực sẽ sống được ít nhất là 5 năm sau khi được chẩn đoán và phát hiện bệnh. Nguyên tắc là càng chẩn đoán sớm hơn chừng nào, việc chữa trị càng có hiệu quả cao chừng nấy.

Trong ngày 13-10, phụ nữ ở Anh được cổ vũ tự giải thoát mình khỏi các thể loại áo nịt ngực (bra) trong suốt 24 giờ ở nhà. Còn ai thả rông đi ra ngoài thì đó là chuyện tự do cá nhân, miễn đừng gây rối loại sự an bình của xã hội.

Để góp phần hỗ trợ cho cuộc vận động nâng cao nhận thức về ung thư ngực, các nhà vận động kêu gọi các ông, và kể cả các phụ nữ không muốn cởi áo ngực, gắn lên ngực áo mình một chiếc ruy-băng màu hồng (pink ribbon) trong ngày No Bra Day. Năm nay là kỷ niệm 25 năm của phong trào gắn ruy-băng hồng này. Bây giờ chiếc ruy-băng hồng này đã trở thành một biểu tượng quốc tế của nhận thức bệnh ung thư ngực được nhiều tổ chức nhân đạo trên thế giới công nhận.

Nhưng liệu có sự quan hệ nào giữa áo ngực và bệnh ung thư ngực không? Có một cuốn sách xuất bản năm 1995 tựa là “Dressed to Kill: The Link Between Breast Cancer and Bras” của hai tác giả Sydney Ross Singer và Soma Grismaijer vốn là một cặp tác giả của một số sách về y khoa nói là có sự liên quan giữa ung thư ngực và áo ngực. Hai tác giả này cho biết các phụ nữ nào mặc áo ngực có gọng kim loại suốt 12 giờ một ngày có nguy cơ bị ung thư ngực cao hơn nhiều so với phụ nữ không mặc áo ngực. Họ giải thích là loại áo ngực đó hạn chế hệ thống bạch huyết (lymph) dẫn tới tình trạng tích tụ các độc tố trong bộ ngực. Tuy nhiên, theo Hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS), không có chứng cứ nào nói rằng các hạch bạch huyết (lymph node) bị áo ngực chèn ép sẽ gây ra ung thư ngực. Trong thực tế, các loại dịch cơ thể chảy lên và vào các hạch bạch huyết ở nách chứ không chảy về hướng áo ngực khung kim loại. Chưa có bất cứ bằng chứng đáng tin cậy nào cho thấy có bất cứ loại áo ngực nào có thể gây ung thư ngực.

Theo Trung tâm Quốc gia về Nghiên cứu sức khỏe Mỹ (National Center for Health Research), trong một cuộc nghiên cứu xuất bản năm 2014, các nhà nghiên cứu đã phỏng vấn hơn 1.000 phụ nữ hậu mãn kinh (postmenopausal) về các mẫu thức mặc áo ngực trong suốt đời họ. Qua khảo sát hơn 1.000 phụ nữ bị ung thư ngực và gần 500 phụ nữ chưa phát hiện ung thư ngực, họ không tìm thấy chứng cứ nào về mối liên quan giữa số giờ mặc áo ngực nói chung hay mặc áo ngực gọng kim loại với việc gia tăng nguy cơ ung thư ngực.

Vì thế, No Bra Day đơn giản là ngày giải thoát bộ ngực phụ nữ khỏi những sự áp chế và che đậy không chỉ định. Và chính sự hấp dẫn của ngày này có thể giúp nâng cao ý thức cộng đồng về bệnh ung thư ngực mà chỉ có phụ nữ phải gánh chịu, bên cạnh các thể loại ung thư thuộc khu vực Tam giác Quỷ Bermuda của giới nữ.

Xin mời xem video:

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.

Những cách thức tự kiểm tra các dấu hiệu ung thư ngực.

Những bạn gái tình nguyện viên của chiến dịch Nơ Hồng Pink Ribbon ở Hàng Châu thuộc tỉnh Chiết Giang (Hangzhou, Zhejiang) đang ném áo ngực lên không để kêu gọi mọi người nhận thức về bệnh ung thư ngực. (Photo by ChinaFotoPress/ChinaFotoPress via Getty Images)