Thứ Năm ngày 25 tháng 4 năm 2024

Tình phí, tình giá

 

Thiệt ra nghĩ cũng tội nghiệp mém đứt ruột đứt gan cho ông Bộ trưởng GTVT. Bắt một ông tiến sĩ giao thông đường bộ giải trình về ngôn ngữ học cũng ác đạn giống như kêu một nhà thơ vẽ thiết kế một cây cầu.

Các quan chức “Bộ Giao Vận” (tôi cũng bắt chước họ sáng chế ra những từ ngữ mới, ai đọc theo giong miền Nam thì ráng chịu) viện dẫn Nghị định 149/2016/NĐ-CP ngày 11-11-2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá để bào chữa cho chuyện họ đẻ ra cái cụm từ “thu giá” mà tiếng Việt chưa hề có.

Nói cho công bằng, khi bộ này quyết định đổi tên trạm thu phí BOT thành “trạm thu giá” thì họ dùng cái tên đầy đủ là “trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ”. Nhưng khi thực hiện, do tên dài dòng, người ta cắt gọn thành “trạm thu giá” nên mới sinh chuyện hỗng giống ai. Thiệt ra, ngay cả cái tên đầy đủ như mới nói cũng đã sai về ngữ pháp tiếng Việt rồi, bởi “giá” không tương đương với “phí”, tuy nhiên “coi” cũng đỡ nhột lỗ tai hơn. Nếu cẩn trọng, họ có thể thêm từ “theo” để thành “trạm thu theo giá dịch vụ…” Dài dòng văn tự hén. Ai biểu sinh tật thay từ ngữ truyền thống mần chi.

Theo luật định, các loại phí là tiền thu từ các dịch vụ do nhà nước cung cấp trực tiếp hay ủy nhiệm và phải do hội đồng nhân dân cấp tỉnh thành quản lý và quyết định. Còn các trạm BOT là của tư nhân thu theo hình thức đầu tư “xây dựng – vận hành – chuyển giao” nên nếu dùng từ phí sẽ gặp rắc rối, mất tính chủ động và thiếu sự linh hoạt khi doanh nghiệp cần điều chỉnh mức giá và cách thu.

Chỉ có điều, thay vì để tránh từ “phí”, họ không dùng từ khác như “trạm thu tiền” hay “trạm thu cước” cho nó trong sáng tiếng Việt. Thậm chí trong thời buổi hội nhập quốc tế này, họ có dùng chữ “trạm thu ngân cashier” hay “trạm cashier” cũng là thần thái ngời ngời. Và với quyền hạn và khả năng hiểu về ngôn ngữ của mình, họ đã chế ra từ hoàn toàn mới “thu giá”. Họ nghĩ rằng, trước nay thiếu gì cái từ không hề có hoặc không thể có, họ vẫn có quyền áp cho dân xài, càm ràm riết rồi mỏi miệng, xài riết rồi cũng quen – coi như kho tàng ngôn ngữ Việt có thêm một từ mới. Chẳng hạn như cái cụm từ “vòng xuyến” đã được “Bộ Giao Vận” đưa thành công vào luật giao thông để thay cho từ “bùng binh” và “vòng xoay giao thông” vốn quen thuộc ở miền Nam từ xưa. Có lẽ, theo tiền lệ đó, rồi “thu giá” cũng sẽ thay “thành công” cho “thu phí”.

Như vậy, theo cách làm và giải thích của Bộ Giao…, từ nay hễ cái gì do nhà nước thu được gọi là “phí”, còn do tư nhân thu là “giá”. Bạn đừng té xỉu nếu ngày mai thấy các bệnh viện tư thu “viện giá”, các trường học tư thu “học giá”,… Mà theo gương của Bộ GTVT, nếu ngoan cố dùng từ “phí”, các cơ sở tư nhân coi như phạm luật. Phần mình, tôi xin tuân thủ nghiêm túc, từ nay không gọi các khoản chi phí, tốn kém cho các thể loại cuộc tình là “tình phí” mà là “tình giá”. Không theo giá, coi chừng phải trả giá!

Ờ, không biết có gì sai sai không khi có ai nói rằng người dân xứ Việt hạnh phúc vì không phải “trả phí” mà chỉ phải “trả giá”!

Mà suy cho cùng, dùng tên gọi gì, “phí” hay “giá” thì cũng đều là tiền người sử dụng phải trả. Chỉ biết vái Ông Địa cho đừng phải trả nhiều tiền là không sợ “lãng phí” hay “trả giá”.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh gốc từ Internet. Thanks.