Thứ Năm ngày 18 tháng 4 năm 2024

Giá như báo Tuổi Trẻ in làm thêm một bản E-newspaper…

Cho dù các bạn Tuổi Trẻ phải tự “giải cứu” mình sau sự việc TTO bị đình bản 3 tháng bằng cách xúm vào nỗ lực quảng cáo cho báo in, thực tế hiệu quả không lớn. Số người bỏ báo in để đọc báo online nay quay lại mua báo giấy không nhiều đâu. Nhất là giới trẻ, đối tượng chính của TT. Hơn nữa, có những nơi không thể có được báo giấy, như ở vùng xa, nước ngoài.

Vì thế, theo thiển ý của tôi, các bạn TT nên làm thêm một phiên bảo e-newspaper hay flip-paper. E-newspaper có định dạng file PDF. Flip-paper có định dạng file EXE hay có thể cho đọc giở trang y như đọc báo in ngay trên trang web. Báo Pháp Luật TP.HCM lâu nay vẫn làm dạng này để bạn đọc ở xa có thể đọc.

Sau khi làm thành file điện tử, báo TT có thể đưa lên fanpage, các dịch vụ download như F-share, MediaFire,… hoặc nhờ các trang web, trang blog thân hữu chia sẻ.

Giải pháp này giờ rất dễ làm. Báo đã có sẵn bản PDF từng trang rồi, giờ chỉ việc dùng phần mềm ếm xì bùa hô biến ráp lại thành e-paper thôi. Nó vừa giúp lan tỏa thông tin, vừa duy trì kết nối và thương hiệu đối với người đọc. Nó cũng không hề vi phạm luật vì không dính gì tới TTO, mà chỉ là một dạng xuất bản từ chính bản in. Nó giống như có ai đó chụp hay scan từng trang báo in để gửi cho bạn bè đọc.

Sau khi làm file điện tử, ta có thể dùng app giúp người đọc cập nhật và tiếp cận nhanh và dễ hơn.

Tất nhiên, có những người e ngại rằng làm như thế này sẽ ảnh hưởng tới số lượng báo in. Bình thường, tòa soạn cũng có thể bán các bản điện tử, đặc biệt là những người đăng ký dài hạn. Nhưng ở đây, ta khoan tính tới nữa, nhất là với đặc thù ở Việt Nam, người ta thích đọc báo online tình thương mến thương miễn phí hơn. Cái chính là nếu như TT muốn lan tỏa thông tin, mở thêm kênh đưa nội dung trên báo in tới nhiều người hơn. Ngoài ra, để an toàn, tòa soạn cũng có thể phát hành bản điện tử muộn hơn, có thể là đầu giờ chiều.

Xin thử đi. Thú vị lắm á.

PHẠM HỒNG PHƯỚC