Thứ Sáu ngày 26 tháng 4 năm 2024

Bám theo vòng bánh xe đạp Đỗ Khắc Cương (bài 1)

DU LỊCH QUÁ GIANG

NGÀY THỨ NHẤT 16-7-2018:

Anh Đỗ Khắc Cương, một người bạn của tôi làm ở Microsoft Việt Nam, vừa làm một chuyến hành phương Bắc bằng xe đạp, khởi hành từ sân bay Phú Bài (Huế). Là một người mê giong ruổi, thích đạp xe, yêu sử Việt, có tài viết lách, anh đã có những ghi chép thú vị dọc hành trình của mình. Được phép của anh, tôi xin mời bạn cùng làm một chuyến “du lịch quá giang” với anh bạn làm công nghệ, mê thể thao này, khoái di dịch này.

Anh Đỗ Khắc Cương bên cầu Trường Tiền (Huế).

Trước đây cứ tầm 6 tháng một lần, tôi thường dành ra bốn năm ngày đạp xe qua các vùng miền đất nước, rồi ghi lại trải nghiệm và những điều thú vị của chuyến đi theo kiểu viết du ký và chia sẻ với các bạn qua Facebook. Mấy lâu nay ít đi hẳn, lần gần đây nhất cũng đã là Tết năm ngoái và đợt đó cũng chỉ đi đoạn ngắn Chu Lai-Đà Nẵng-Huế trong 2 ngày. Tháng rồi, bỗng dưng có ước muốn đạp xe lang thang trở lại, và sau mấy tuần lên kế hoạch và chuẩn bị, hôm nay, thứ Hai 16-7-2018, tôi bắt đầu hành trình nối tiếp từ Huế đến Hà Nội, dự kiến đi trong khoảng từ 5 đến 7 ngày, tùy điều kiện thời tiết và cung đường mà có thể đến sớm hay muộn hơn.

Hôm qua Chủ nhật đóng thùng xe rồi bay ra sân bay Phú Bài lúc chiều tối. Tự lắp xe ở sân bay rồi đạp xe về thành phố. Vì muốn khởi hành sớm ngày hôm nay nên tôi mới quyết định bay ra xem chung kết World Cup hôm qua ở Huế, và sáng nay 6:00 giờ đã trả phòng khách sạn ra bờ sông Hương ăn sáng và tiếp tục bình luận chém gió trận chung kết với người dân cố đô!

Sông Hương.

Huế sáng nay mưa lất phất như mưa xuân, đạp xe dạo phố hai bờ nam bắc sông Hương quả thật là thú vị. Sông Hương vẫn thế như bao đời nay, vẫn luôn êm đềm dịu dàng như mặt hồ hơn là một dòng sông. Huế có hai ngôi trường quá đẹp nằm cạnh nhau ngay đường Lê Lợi bên bờ nam sông Hương, và đó cũng là 2 ngôi trường nổi tiếng Hai Bà Trưng và Quốc Học. Trường Quốc Học Huế được thành lập năm 1896, là trường học của rất nhiều nhân vật lịch sử của Việt Nam như Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng,…

Trường Trung học phổ thông Hai Bà Trưng (Huế).

Trường Trung học Quốc học (Huế).

Huế là cố đô của nước Việt, mà lại được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới nên có rất nhiều địa điểm thú vị để đến thăm để viết để kể. Nhưng vì thời gian ở Huế không nhiều, tôi quyết định chỉ đến thăm Đàn Tế Núi Bân và Đàn Nam Giao rồi đi Quảng Trị luôn. Đây là hai di tích gắn liền với hai vị vua nổi tiếng và cũng là đối thủ của nhau, vua Quang Trung và vua Gia Long. Đàn Tế Núi Bân là nơi người anh hùng Nguyễn Huệ tế cáo trời đất, đọc chiếu lên ngôi Hoàng đế với niên hiệu Quang Trung, rồi xuất quân ra Bắc lần hai đánh tan mấy chục vạn quân Thanh xâm lược năm 1789. Cách Đàn Tế Núi Bân không xa khoảng 1km là Đàn Tế Nam Giao, được vua Gia Long cho xây dựng năm 1806 và là nơi tế trời đất của nhà Nguyễn. Bây giờ 2 năm một lần, nhân dịp Festival Huế, nghe nói thành phố Huế cũng tổ chức tái diễn lại lễ tế trời đất ở Đàn Nam Giao.

Quốc lộ 1 từ Huế đi Quảng Trị đường rất tốt, nhưng hôm nay có mưa thêm gió ngược nên đạp cũng vất vả. Đến Gio Linh thì gặp một con dốc rất cao và dài, trong lúc đang hì hục đạp leo dốc thì thấy cô gái bán mít bên đường mời vào quán. Đang mệt mà lại có người mời nên tấp vào quán ngay, nhưng quán cô ấy không bán mít lẻ mà chỉ bán nguyên trái, nên không mua mít mà gọi nước mía và nước suối uống. Tôi bắt chuyện hỏi thăm cô gái rằng người dân Gio Linh làm gì để sinh sống, thì cô kể ở Gio Linh, đồng bào trồng tiêu và cao su. Nhưng cô ấy cũng nói đời sống ở đây rất khó khăn, vì thời tiết rất khắc nghiệt nên có trồng tiêu cũng không thu hoạch tốt, như năm nay vụ tiêu mất mùa do trời lúc thì quá nóng, khi thì mưa quá nhiều. Cô gái bán mít hỏi tôi ở đâu đến, tôi nói mình ở TP.HCM (có khi cô ấy nghĩ tôi đạp từ Sài Gòn ra đến Gio Linh cũng nên, hehe). Rồi cô gái làm tôi hết sức ngạc nhiên khi kể cho tôi biết cô ấy đang học đại học khoa Tâm lý trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ở Sài Gòn, vụ bán mít này là bởi cô ấy hiện đang nghỉ hè, về quê bán giúp cho ba mẹ mình mà thôi! Nghe cô kể, tôi thầm thán phục, ở một vùng quê nghèo mà vẫn chăm lo học hành thi đậu vào đại học ở tận Sài Gòn. Tôi khen cô ấy vài câu, rồi tính tiền và selfie một tấm cùng cô sinh viên bán mít trước khi tiếp tục leo cho hết con dốc Gio Linh!

Anh Đỗ Khắc Cương selfie với cô sinh viên bán mít ở Gio Linh.

Từ Gio Linh đạp thêm 10km nữa là đến một di tích mà gây cho tôi rất nhiều cảm xúc, đó là cầu Hiền Lương Vĩ tuyến 17, là ranh giới chia cắt hai miền Nam Bắc trong suốt 20 năm (1954-1975). Nhưng bây giờ trễ quá rồi, hẹn viết vào ngày mai vậy.

Cầu Hiền Lương mỗi nửa được sơn một màu khác nhau: màu xanh dương ở phía bắc và màu vàng ở phía nam.

Chiếc xe đạp của anh Đỗ Khắc Cương trên cầu Hiền Lương vắt ngang lằn sơn trắng phân chia 2 miền Nam – Bắc trước kia.

Hôm nay đạp 120km, dự báo thời tiết ngày mai Quảng Bình-Hà Tĩnh mưa, chưa biết sẽ thế nào đây.

ĐỖ KHẮC CƯƠNG

+ Ảnh: ĐỖ KHẮC CƯƠNG