Thứ Bảy ngày 20 tháng 4 năm 2024

Rồi sao nữa? Nữa rồi sao?

Báo Tuổi Trẻ in sáng 2.8.2018 giựt tít vedette trên trang nhứt truy vấn “rồi sao nữa?” sau khi Phùng thượng thư bộ giáo nhận trách nhiệm về vụ gian lận kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 ở hai tỉnh vùng núi cao phía bắc là Hà Giang và Sơn La.

Một câu hỏi thể hiện ý muốn truy đến cùng, chắc chắn không mang tính “truy sát” mà chỉ là muốn làm đến nơi đến chốn để tật xấu khó bề tái diễn. Nhưng thực tế nó cũng sẽ chung số phận “bắn chim trời” gửi gió cho mây ngàn bay như bao câu hỏi từ cuộc sống trước đó. Hỏi ai và ai sẽ trả lời. 

Tôi vốn khoái nghịch với những con chữ. Rồi sao nữa? Nữa rồi sao? Sao nữa rồi?

Nên nhớ thượng thư chỉ nhận trách nhiệm của một người đứng đầu ngành về vụ bê bối của ngành mình tại 2 tỉnh đã bị phát hiện đến nay. 2 trong tổng số 63 tỉnh thành cả nước. 

Tôi thiển nghĩ, bất luận thế nào, ông Nhạ chỉ phải chịu trách nhiệm về những việc làm cụ thể của mình, rộng hơn nữa là trong ngành mình dưới trào mà ông làm tư lệnh. Rất nhiều thứ hôm nay là hệ lụy, có dây mơ rễ má từ rất xưa, dưới những trào tiền nhiệm. 

Có một thực tế không nói ra thì ai… cũng biết, với cơ chế hiện hành của Việt quốc, chưa chắn người đứng đầu một ngành lại có quyền tự chủ đối với ngành mình. Chưa chắc một ông bộ trưởng đã nắm trọn quyền được tại ngay văn phòng bộ, chớ đừng mơ chi tới ở địa phương. Một cơ quan có bao nhiêu ông phó thì hầu như có bấy nhiêu phe cánh. Cái ông giám đốc sở chỉ là cấp dưới theo hệ thống dọc chớ nào phải là thuộc cấp của ông bộ trưởng. Hãy thử hỏi Nguyễn tổng trấn về cái thời ông bị điều từ miền nam ra làm thượng thư bộ giáo thì biết ngay nó khốn khổ, điên cái đầu ra sao.

Nói vậy cho công bằng và rạch ròi chớ không phải tôi có ý binh cho ai ráo. Không thể chối bỏ trách nhiệm của người đứng đầu. Nhưng xin tin tôi đi, với thực trạng bây giờ, không phải chỉ có bộ giáo, thay thượng thư này bằng người khác có thể đỡ những tiểu tiết, nhất là về hành xử, còn thì bộ máy vẫn vận hành như cũ. Hơn 42 năm rồi vẫn…chạy mà. 

Vậy chẳng lẽ ôi thôi rồi, đành bó tay, bất lực sao? Không, ai lại thế. Vấn đề là những người có trách nhiệm không chỉ gói gọn ở vài địa phương (cho nó giảm nhẹ nhân tai), mà cần có một cái nhìn toàn cuộc, tìm ra mấu chốt vấn đề ở đâu, làm một cuộc đại phẫu thuật tận căn nguyên. Một khi năng lực còn bất cập, hãy đừng dàn hàng ngang, cụ thể là khoan đổi mới chương trình học, mà dồn sức để hoàn thiện việc thi cho nó ngon lành, ổn định và theo chuẩn hội nhập quốc tế. Học cho ngon cách mấy mà tới khi thi cứ như vầy thì uổng công, phí tiền. 

Nếu không thì năm tới ta lại mất công truy vấn: “nữa rồi sao?”

PHẠM HỒNG PHƯỚC