Thứ Tư ngày 24 tháng 4 năm 2024

Câu trả lời “thực chất” và “nhân văn” của trường đánh trượt thí sinh để khỏi mở lớp…

 

Để rộng đường dư luận và tạo điều kiện cho các bên có thể đưa ra ý kiến của mình, nhất là trong hoàn cảnh báo Tuổi Trẻ vẫn còn phải đình bản bản online, tôi xin phép chụp bản tin in trên báo TT ngày 11.8.2018.

Em thí sinh bị đánh trượt nguyện vọng 1 vào ngành sư phạm văn đã trúng tuyển nguyện vọng 2 vào ngành giáo dục tiểu học của trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai.

Mới đọc, ta thấy vậy cũng tốt. Nhưng thực tế đây không phải là một happy end. Thí sinh vẫn là kẻ bị thi trượt. Nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 không hề giống nhau, cả về ngành học lẫn tâm lý thí sinh. Nguyện vọng 1 mới chính là khát vọng chính, mong muốn chính của một thí sinh sau 12 năm phổ thông. Còn lại chỉ là dự phòng, có còn hơn không. Ngoài ra, nếu học ngành sư phạm văn, sau này ra trường, em có đủ chuẩn để dạy môn văn THCS. Còn nếu học ngành giáo dục tiểu học, em sẽ chỉ dạy được ở bậc tiểu học.

Ông TS hiệu trưởng trường này nói với báo TT rằng việc buộc đánh trượt thí sinh này là “việc làm thực chất” và “chuyện nhân văn”. Thú thiệt, có lẽ do không phải là TS và làm trong cỗ máy cái sư phạm, tôi không đủ trình độ để hiểu cái nghĩa “thực chất” và “nhân văn” mà ông ấy nói.

Xin thưa rõ, chuyện một trường phải hủy bỏ ngành học hay giải tán lớp học là chuyện bình thường, miễn là cứ lấy thực tế khách quan chiếu theo quy định, điều lệ để làm. Xưa nay vẫn có những trường đại học phải làm vậy khi không tuyển sinh đủ chỉ tiêu tối thiểu hay vì lý do chính đáng nào khác. Nhưng chưa có trường nào làm như ở Gia Lai là cố ý nâng điểm chuẩn lên cực cao (23 điểm) để có thể đánh trượt thí sinh cao điểm nhất (22.5 điểm) – có nghĩa là sẽ đánh trượt tất cả các thí sinh khác để có lý do khỏi mở ngành học mà nhà trường không cần phải giải quyết quyền lợi nào cho thí sinh như khi họ đã trúng tuyển. Theo trường cho biết, sau khi lọc ra được 2 thí sinh ảo, ngành văn chỉ có 5 thí sinh. Trong khi theo quy định của bộ GDĐT, mỗi lớp phải có tối thiểu 20 sinh viên mới được mở lớp. Quy định của tỉnh Gia Lai còn khắt khe hơn là phải có ít nhất 35 sinh viên/lớp. Trong năm học mới này, trường có tới 6 ngành học không có đủ thí sinh, trong đó ngành toán, lý chỉ có 1 thí sinh

Rõ ràng không ai có thể trách chi trường khi phải hủy bỏ ngành học do không tuyển đủ sinh viên. Đáng tiếc là ở cách làm “thực chất” và “nhân văn” của trường khi cố tình nâng điểm chuẩn lên cao bất thường để đánh trượt tất cả thí sinh dự tuyển.

Cách làm của trường Gia Lai này đã biến một chuyện bình thường trong tuyển sinh thành một chuyện bất thường của giáo dục vốn đầy rẫy những bất cập và bất trắc.

Nếu như tôi, tôi sẽ chủ động nhận trách nhiệm về mình, vẫn đưa ra điểm chuẩn bình thường theo mặt bằng chung. Với các thí sinh trúng tuyển nhưng không đủ sỉ số mở lớp, tôi sẽ gặp trực tiếp thí sinh và phụ huynh để trình bày và sẽ làm hết sức để cùng họ giải quyết với tinh thần quyền lợi thí sinh là ưu tiên. Tôi tin rằng thí sinh và gia đình với niềm vui của người trúng tuyển mà có rủi ro khách quan sẽ hiểu, thông cảm và cùng nhà trường chọn giải pháp tốt cho tất cả. Và theo sự hiểu biết của mình, tôi nghĩ đó mới đích thực là thực chất và nhân văn (không bỏ trong ngoặc kép vì bình thường).

PHẠM HỒNG PHƯỚC