Thứ Sáu ngày 19 tháng 4 năm 2024

Có một Thaco của Việt Nam

Có lẽ biết thân phận mình chẳng dám đũa mốc mà chòi mâm son, trước nay – chắc là sau này vẫn thế – mỗi khi nghĩ tới thương hiệu xe hơi Việt Nam, tôi lại hướng về Thaco – Trường Hải. Đối với tôi, đó mới thiệt sự là một thương hiệu xe hơi Việt thực chất, không hề viễn vông.

Liệu có ai chưa từng một lần được nhìn thấy những chiếc xe bus, xe khách, xe tải nhẹ,… mang thương hiệu Thaco? Những chiếc xe Thaco như thế đang ngày đêm rong ruổi ngược xuôi trên khắp các nẻo đường Việt Nam, có lẽ suốt từ Ải Nam Quan tới Mũi Cà Mau. Thấy xúc động và thương muốn chết đi vậy á.

Những chiếc xe Thaco đại chúng đó đã đem lại phương tiện mưu sinh cho biết bao gia đình người Việt.

Thành lập tại Biên Hòa từ năm 1997, nghĩa là đã 21 năm, Công ty CP Ôtô Trường Hải đã xây dựng cho mình một thương hiệu riêng là Thaco (có lẽ viết tắt từ Công ty Trường Hải). Cho tới nay, ngoài những chiếc xe bus và những chiếc xe tải nhẹ mang thương hiệu Thaco, công ty này còn lắp ráp một số thương hiệu xe quốc tế như Mazda, Kia Motors, Hyundai, Peugeot,… cũng như phân phối cả xe BMW sang trọng. (Bạn đồng nghiệp Nam Hưng, một dân chơi xe đam mê, cho biết hiện Hyundai là do Hyundai Thành Công (HTC) làm ở Ninh Bình, không còn do Trường Hải lắp ráp nữa. Trong khi đó, theo tin báo chí: thương hiệu xe bus và xe tải Fuso vốn của Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản) từ năm 2018 không thuộc sở hữu của Mercedes-Benz Việt Nam nữa mà về với Thaco.)



Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong 8 tháng đầu năm 2018, Thaco đã bán được 64.106 chiếc ôtô các loại (chiếm 39,5% thị phần xe của VAMA), trong đó xe du lịch có 42.049 chiếc, xe thương mại có 22.057 chiếc.

Tôi thuộc số đông không rành về xe hơi, không có tiền mua xe hơi và cũng chẳng biết lái xe hơi. Vì thế tôi khoái cái tên Thaco ở chỗ nó rất thực chất và quen thuộc. Tất nhiên tôi hiểu rằng đằng sau có thể có những chuyện gì đó, nhưng liệu có doanh nghiệp nào nổi đình đám ở Việt Nam mà không có những chuyện thâm cung bí sử? Cái tôi muốn nói ở đây là tính thực chất và quen thuộc của một thương hiệu xe hơi Việt. Và tôi chớ hề dám dùng chữ “tự hào” vì cái từ này bây giờ đã trở thành “auto biểu cảm”.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Vu Pham Tan và Internet. Thanks.